0908.326.779 - 0906.362.707
 

Sản phẩm OCOP chưa dễ vươn ra sân chơi lớn

08/07/2021    4.6/5 trong 5 lượt 
Sản phẩm OCOP chưa dễ vươn ra sân chơi lớn
Kết thúc giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh Đồng Nai đã đạt và vượt xa mục tiêu đề ra về số lượng sản phẩm đạt chuẩn chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhưng đa số các chủ thể sản xuất chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, công nghệ còn lạc hậu nên chưa nhiều sản phẩm OCOP vươn lên tầm quốc gia, tiếp cận tốt thị trường xuất khẩu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đề ra mục tiêu, trong giai đoạn 2021-2025, các địa phương phải tập trung nguồn lực nhiều hơn nữa để thực hiện mục tiêu đề án chương trình OCOP giai đoạn mới. Chương trình OCOP phải tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính đặc trưng lợi thế của mỗi vùng, mỗi xã, đáp ứng cho tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

* Chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, lẻ

Năm 2019, năm đầu tiên Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, toàn tỉnh có 17 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 15 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao theo Bộ tiêu chí OCOP quốc gia. Đây chính là những thành quả bước đầu, tạo tiền đề để Đồng Nai tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả của chương trình OCOP.

Năm 2020, toàn tỉnh có thêm 29 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 16 sản phẩm OCOP hạng 4 sao và 12 sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

Theo báo cáo của Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của nhiều chủ thể sản xuất còn hạn chế, đặc biệt các cơ sở sản xuất chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống, quy trình sản xuất, quy trình quản lý chất lượng. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP mới dừng lại ở góc độ sử dụng tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương từ trước, chưa mở rộng và phát triển cao hơn để vươn ra tầm quốc gia và quốc tế.Như vậy, giai đoạn 2019-2020, toàn tỉnh có 46 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao và 4 sao, đạt 283% mục tiêu đề ra. Trong đó, 18 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, chiếm tỷ lệ hơn 39% trên tổng số sản phẩm, cao hơn so với tỷ lệ bình quân toàn quốc là 36,2%. 

Tuy tỉnh rất quan tâm tổ chức các chương trình quảng bá, kết nối tiêu thụ cho sản phẩm OCOP nhưng phần lớn sản phẩm OCOP chủ yếu vẫn tiêu thụ tại địa phương. Tỷ lệ sản phẩm OCOP tiêu thụ tốt ở các kênh bán lẻ hiện đại, nhà phân phối lớn như: siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi… vẫn còn hạn chế.

Bà Cao Thị Ten, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Ngọc (H.Định Quán) cho biết, sản phẩm OCOP trứng gà thảo mộc, gà thảo mộc là đặc sản độc đáo của riêng địa phương với trang trại được đầu tư nuôi theo quy chuẩn an toàn, được kiểm tra định kỳ và công bố các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Sản phẩm đã vào được kênh tiêu thụ là cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị. Tuy nhiên, số lượng có hạn vì đây là trang trại chăn nuôi quy mô sản xuất nhỏ lẻ và hiện gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ do dịch Covid-19 nên càng khó mở rộng kênh tiêu thụ.

* Lúng túng chọn sản phẩm thế mạnh

Giai đoạn 2018-2020, trong hàng chục sản phẩm OCOP của Đồng Nai vẫn chưa nhiều sản phẩm thực sự độc đáo, ấn tượng và là sản phẩm thế mạnh của địa phương với vùng nguyên liệu lớn, đã xây dựng được dự án cánh đồng lớn để có tiềm lực vươn xa lên tầm quốc gia, quốc tế. Đây cũng là lúng túng của các địa phương trong xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025.

Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình OCOP và đến đầu năm 2021, huyện có 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 sao và 4 sao. Ngay từ quý I-2020, huyện đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho hàng ngàn hộ dân, các cán bộ chủ chốt của xã về công tác xây dựng nông thôn mới cũng như thực hiện chương trình OCOP, tập huấn cho cán bộ phụ trách OCOP của các xã. Thời gian tới, H.Cẩm Mỹ đăng ký 30 sản phẩm tham gia chương trình OCOP; phát triển từ 10-20 sản phẩm mới, trong đó có 10 sản phẩm đạt 3 sao, 3 sản phẩm đạt 5 sao.Trong định hướng của các địa phương chủ yếu đưa ra kế hoạch phát triển về số lượng sản phẩm OCOP chứ chưa xác định cụ thể sản phẩm thế mạnh, chủ lực sẽ được chú trọng đầu tư. Cụ thể, dự kiến giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ có 120 sản phẩm trở lên đạt tiêu chuẩn OCOP.

Để đạt mục tiêu chung do tỉnh đề ra trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến H.Vĩnh Cửu sẽ phát triển 15 chủ thể với 20 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Riêng trong năm 2021, Vĩnh Cửu đã xây dựng kế hoạch hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn OCOP cho 4 chủ thể với 5 sản phẩm đăng ký. Tuy có kế hoạch phát triển cụ thể cho từng năm nhưng địa phương này chủ yếu chỉ quan tâm đến phát triển về số lượng sản phẩm.

Định hướng phát triển chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, các địa phương phải có lộ trình nâng cấp các sản phẩm OCOP đã đạt 3 sao lên 4 sao và 5 sao; khai thác hết lợi thế của những sản phẩm tiềm năng, có giá trị cao cho địa phương.

Thời gian tới, khi số lượng các sản phẩm phát triển nhiều hơn, các địa phương, đơn vị chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP cũng như đẩy mạnh tuyên truyền về các sản phẩm OCOP. Các địa phương phải phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của người dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững; góp phần thực hiện nội dung thứ 3 của chương trình xây dựng nông thôn mới là “tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”.

Thủy Mộc - Bình Nguyên