Những quy định mới tại dự thảo nghị định do Tổng cục Hải quan đang xây dựng về thủ tục kiểm tra chất lượng về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, thời gian làm thủ tục…
Cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ đăng ký kiểm tra
Thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12.1.2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng,
an toàn thực phẩm đối với hàng hóa
nhập khẩu. Dự thảo sẽ được trình Chính phủ ban hành trong quý 2/2021.
Điểm đáng chú ý, dự thảo quy định nhiều nội dung mới sẽ giúp doanh nghiệp (DN) được cởi trói, thoát khỏi cảnh “1 cổ nhiều tròng”, bị nhiều cơ quan kiểm tra hàng hóa nhập khẩu trong thời gian qua. Theo đó, dự thảo quy định hải quan sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm làm đầu mối kiểm tra. Còn về lợi ích của DN, dự thảo đã cắt giảm nhiều chứng từ trong hồ sơ kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm như: cắt giảm được 6/10 chứng từ tổ chức, cá nhân phải nộp/xuất trình khi thực hiện việc kiểm tra nhà nước về chất lượng; bỏ quy định nộp Bản sao Danh mục hàng hóa (Packing list) đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra chặt của an toàn thực phẩm… Việc cắt giảm các chứng từ này giúp đơn giản và minh bạch hồ sơ, tránh tùy tiện trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, theo dự thảo, thủ tục đăng ký bản
công bố hợp quy,
tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm chỉ phải thực hiện đối với hàng hóa lần đầu nhập khẩu và được thực hiện tự động hoàn toàn trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tùy từng trường hợp cụ thể, hàng hóa đã có mã số đăng ký bản công bố hợp, quy tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm sẽ được áp dụng miễn, giảm kiểm tra.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) bày tỏ quan điểm ủng hộ nguyên tắc cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và thực hiện trên Hệ thống một cửa quốc gia. “Việc áp dụng đồng thời 3 phương thức kiểm tra dựa trên quản lý rủi ro cho lĩnh vực kiểm tra chất lượng (bao gồm kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm) là điểm nổi bật của mục tiêu xây dựng nghị định. Bên cạnh đó việc áp dụng công nghệ thông tin để kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và tích hợp hệ thống thông quan tự động của hải quan với Cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ giúp giám sát, quản lý rủi ro tốt hơn”, Amcham đánh giá.
Theo AmCham, quá trình xây dựng dự thảo nghị định ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến để bổ sung thêm các quy định đang được thực hiện rất tốt trong
Nghị định 15/2018/NĐ-CP, như quy định miễn giảm cho nguyên liệu để sản xuất nội bộ, sản xuất hàng xuất khẩu, hay cho phép bổ sung các thay đổi nhỏ.
Thay đổi nhận thức, mang lại lợi ích chung
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, mục tiêu của nghị định này nhằm giảm thời gian và chi phí, tạo thuận lợi cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, thay đổi cách thức quản lý hiệu quả hơn bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối chia sẽ thông tin. Bà Mai nhấn mạnh, nghị định này liên quan đến nhiều luật, nhiều bộ ngành cũng như các DN xuất nhập khẩu chịu tác động, Bộ Tài chính cũng rất áp lực khi được giao triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 99/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP. “Tuy nhiên xu hướng cải cách là tất yếu, đòi hỏi quá trình thay đổi nhận thức, rất khó khăn vì vậy cần sự chung tay cùng xây dựng của các bên có liên quan để cải cách mang lại lợi ích chung cho nền kinh tế, xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, bà Mai nói.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai yêu cầu Tổng cục Hải quan, Ban soạn thảo lắng nghe, tiếp thu ý kiến đồng thời phối hợp với các bên liên quan (Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp) chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ. Trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh tại tờ trình phải làm rõ sự cần thiết của nghị định và nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Quyết định 38/QĐ-TTg, nêu được các nội dung cải cách so với hiện hành; đánh giá tác động của nghị định đến DN, nền kinh tế, cơ quan quản lý; báo cáo các ý kiến còn khác nhau và làm rõ việc tổ chức triển khai như thế nào khi nghị định được thông qua.