0908.326.779 - 0906.362.707
 

Không thấy bằng mắt thường, phải làm gì với thực phẩm độc?

15/01/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Không thấy bằng mắt thường, phải làm gì với thực phẩm độc?
Thực phẩm độc rất khó phân biệt bằng mắt thường nên đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP sẽ tăng cường kiểm tra thị trường trong đợt Tết này.

Chiều 12/1, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) - PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong giải thích rõ các dấu hiệu để nhận biết một thực phẩm được gọi là thực phẩm độc.

Theo đó có 2 yếu tố khiến một thực phẩm bị coi là độc đó là thực phẩm có chứa phụ gia thực phẩm không đúng quy định và các chỉ số về kim loại nặng, hooc-mon, thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật... vượt ngưỡng cho phép.

Khong thay bang mat thuong, phai lam gi voi thuc pham doc?
Phụ gia thực phẩm phải được hiểu đúng cách.

Phụ gia thực phẩm khi cho vào thực phẩm phải đảm bảo đúng 4 yếu tố sau: phụ gia nằm trong danh mục được Bộ Y tế cho phép, nồng độ sử dụng không vượt ngưỡng cho phép, đảm bảo độ tinh khiết, và đúng đối tượng sử dụng.

Theo vị Cục trưởng, phụ gia phải dùng cho đúng đối tượng ví dụ phẩm màu có thể được dùng cho bánh kẹo, nhưng dùng cho thịt lợn là sai quy định.

Các chất vàng ô, salbutamol làm nóng dư luận thời gian qua là một ví dụ điển hình.

Hoặc có những sản phẩm phụ gia dùng cho quá trình sản xuất thực phẩm nguội nhưng lại được cho vào trong quá trình đun nấu thực phẩm thì thực phẩm đó lại trở thành độc.

Thực phẩm không độc sẽ biến thành độc nếu phụ gia được sử dụng trong đó vi phạm 1 trong 4 điều kiện trên.

Nhưng nếu đạt đủ các tiêu chuẩn đó thì phụ gia thực phẩm lại đảm bảo được an toàn và thậm chí có lợi cho sức khỏe.

"Nếu phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục quy định, đảm bảo nồng độ không vượt ngưỡng cho phép, hàm lượng, đảm bảo độ tinh khiết, đúng đối tượng thì phụ gia đó lại đảm bảo an toàn sức khỏe" - ông Phong nói.

Ngoài phụ gia thực phẩm thì các chỉ số khác trong thực phẩm như: vi sinh vật, kim loại nặng, hooc-mon tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật... nếu vượt ngưỡng quy định cũng khiến thực phẩm trở nên độc hại.

Trong đó, chỉ số về vi sinh vật xuất hiện tăng lên trong quá trình giết mổ, vận chuyển, bảo quản thực phẩm...

Ông Phong lấy ví dụ, nhiều loại màng bọc thực phẩm, túi nilon chưa được kiểm tra về chất lượng được bày bán công khai tại các chợ dùng để bọc thực ăn đều khiến thực phẩm trở nên có nguy cơ bị mất an toàn.

Cục trưởng Cục ATTP nhấn mạnh, thực phẩm độc rất khó nhận biết bằng mắt thường, do đó bên cạnh việc mỗi người dân phải tự nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm thì càng cần phải có sự thanh, kiểm tra quyết liệt của các đơn vị chức năng ở địa phương được giao nhiệm vụ về quản lý lĩnh vực này.

Ông Phong cho hay, trong thời điểm Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân rất cao nên cần đặc biệt chú ý sử dụng thực phẩm và chất bảo quản thực phẩm cho khoa học và đúng như các khuyến cáo của Bộ Y tế để hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc thực phẩm.

"Đừng coi tủ lạnh là một "bảo bối" vì tủ lạnh chỉ bảo quản thực phẩm được trong một thời gian nhất định. Đặc biệt, cần hạn chế bia rượu, không lạm dụng rượu bia và tuyệt đối không sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc xuất xứ…" - Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nói.

Trả lời báo Đất Việt trong cuộc họp báo về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Mậu Tuất và dịp lễ hội đầu xuân 2018, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết, năm nay, Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP Trung ương sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra tại 12 tỉnh thành trong cả nước và sẽ có nhiều điểm mới trong công tác triển khai.

Các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành của Trung ương sẽ không làm thay việc của các đoàn địa phương như mọi năm.

Đáng chú ý là việc lấy mẫu thực phẩm phải được xử lý ngay lập tức, các phòng kiểm nghiệm phải tập trung nguồn lực để ưu tiên xét nghiệm các mẫu thực phẩm mà đoàn thanh tra Tết gửi đến. Tuyệt đối không để tình trạng sau Tết mới công bố kết quả kiểm nghiệm các thực phẩm được gửi đến kiểm nghiệm trong Tết.

Ông Phong cho biết đây là một điểm rất mới, được quán triệt rất sâu sát, ngoài việc xử phạt các cơ sở sai phạm, cơ sở làm tốt phải công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Khong thay bang mat thuong, phai lam gi voi thuc pham doc?
Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong và Cục phó Trần Việt Nga.

Theo ông Phong, làm tốt công tác thanh, kiểm tra là có lợi cho người tiêu dùng. Công tác kiểm tra không chừa một loại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hay làng nghề thủ công nào. Điều này góp phần làm tăng trách nhiệm và tính nhập nhèm lâu nay của các cơ sở kinh doanh trong làng nghề thủ công truyền thống.

Thực tế cho thấy sau khi thanh tra, kiểm tra và quy định rõ ràng các hành vi cùng mức phạt, các làng nghề sản xuất thực phẩm như làng nghề Xuân Đỉnh buộc phải thay đổi cách thức kinh doanh của mình: không còn tình trạng phơi mứt ra đường, cống, mương, bến xe bus mà thay vào đó mua máy sấy, chia khu vực sản xuất và khu xử lý nguyên liệu đàng hoàng, có đăng ký kinh doanh.. và thực hiện ghi nhãn mác đúng quy định...

Trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các địa phương, ông Phong thừa nhận rằng, nhiều địa phương vẫn "khoán trắng" công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm cho cơ quan y tế. Điều này không làm thay đổi tình trạng đảm bảo an toàn về thực phẩm trong đời sống.

Thực tiễn cũng cho thấy, nếu không có sự phối hợp liên ngành, nhất là các đoàn kiểm tra không có sự tham gia cùng của cơ quan công an thì hiệu quả kiểm tra không cao.

"6 đoàn kiểm tra của Trung ương sẽ chỉ xuống đi sau đôn đốc, xem địa phương kiểm tra và xử lý các tình huống vi phạm ATTP thế nào, có đúng chỉ đạo, kiểm tra tập trung thực phẩm Tết (bánh kẹo, mứt Tết, bia, rượu, thuốc lá...) hay kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm không dùng trong dịp Tết để bỏ qua sai sót cho doanh nghiệp nhằm trục lợi riêng" - Cục trưởng Cục ATTP khẳng định.

Cúc Phương