0908.326.779 - 0906.362.707
 

Khi tiếng gầm cũng được bảo hộ

18/02/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Khi tiếng gầm cũng được bảo hộ
Ba năm nữa, tiếng hú hùng tráng của Tarzan hay tiếng sư tử rống trong mỗi biểu tượng của hãng phim MGM và những dấu hiệu kiểu như vậy đều sẽ trở thành những âm thanh được bảo hộ

mà Việt Nam sẽ phải tôn trọng theo các thỏa thuận Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Sở hữu trí tuệ (SHTT) là lĩnh vực cực kỳ phức tạp mà Việt Nam còn phải nợ lại khi CPTPP bắt đầu có hiệu lực từ một tháng trước đây. Việt Nam được ưu tiên lùi thời hạn thực thi nhiều lĩnh vực quan trọng trong các thỏa thuận về SHTT, như bảo hộ nhãn hiệu dưới hình thức âm thanh, hoặc tạm thời tránh được các vụ kiện bản quyền trong vòng 5 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực.

p/Tiếng sư tử rống trong mỗi biểu tượng của hãng phim MGM và những dấu hiệu kiểu như vậy đều sẽ trở thành những âm thanh được bảo hộ mà Việt Nam sẽ phải tôn trọng.

Tiếng sư tử rống trong mỗi biểu tượng của hãng phim MGM và những dấu hiệu kiểu như vậy đều sẽ trở thành những âm thanh được bảo hộ mà Việt Nam sẽ phải tôn trọng.

Bài toán khó chưa có lời giải

Tuy vậy, nếu không có những sự chuẩn bị rốt ráo, đặc biệt là sửa đổi hệ thống pháp luật và thực thi quyền SHTT và quyền tác giả, thì khoảng thời gian ân hạn đó sẽ không thể đủ để cho doanh nghiệp Việt Nam tự tạo ra cơ chế cạnh tranh thích hợp.

Khác với nhiều nước thành viên hiện đang tập trung tập huấn, chuẩn bị chỉ dẫn kiến thức và hỗ trợ doanh nghiệp của họ khi bước vào thực thi CPTPP, Việt Nam vẫn còn loay hoay ở việc cần thay đổi những gì trong hệ thống pháp luật để phù hợp với các thỏa thuận trong Hiệp định, khi mà thời hạn cũng không còn xa. Trong phạm vi bài này, người viết muốn tập trung vào lĩnh vực kinh tế sáng tạo và văn hóa, một ngành bị chi phối mạnh mẽ nhất bởi quyền và bảo vệ quyền SHTT và quyền tác giả.

Là một thành viên được ân hạn do trình độ phát triển chưa ngang bằng với phần còn lại trong CPTPP, nhưng quãng thời gian ngắn ngủi đó sẽ trở thành áp lực rất lớn cho việc thực thi trách nhiệm và quyền hạn của Việt Nam.

Công nghiệp sáng tạo bao gồm các lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng bằng giá trị tài sản trí tuệ được hình thành nhờ cơ chế bảo hộ quyền SHTT, quyền tác giả và các quyền liên quan, như thiết kế, tạo mẫu, xuất bản, phim ảnh, kiến trúc, nghệ thuật, quảng cáo, và nội dung số. Các ngành này đang chiếm tỷ trọng khoảng 10% GDP toàn cầu, và Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu 7% đến năm 2030. Tuy vậy, giá trị thực của nó hoàn toàn phụ thuộc vào cách mà thị trường tôn trọng chất xám và sẵn sàng chi trả cho năng lực sáng tạo của các cá nhân và doanh nghiệp. Cho đến giờ, đây vẫn là bài toán khó giải.

Một trong những yêu cầu quan trọng nhất của CPTPP là xác định quyền của chủ sở hữu là được ngăn cản các chủ thể khác sử dụng các dấu hiệu (bao gồm cả chỉ dẫn địa lý có sau) giống hệt hoặc tương tự cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc gần với loại hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký nhãn hiệu của mình nếu việc sử dụng này có thể gây ra nhầm lẫn. Thậm chí, CPTPP còn cho phép hình sự hóa những vi phạm liên quan tới SHTT, trong khi hiện nay pháp luật của Việt Nam chỉ xử phạt hành chính các hành vi vi phạm SHTT. Đây là một yêu cầu hết sức quyết liệt nhằm bảo vệ tối đa quyền của chủ sở hữu tài sản trí tuệ. Các tội hình sự không chỉ áp dụng trực tiếp cho chủ thể thực hiện hành vi vi phạm (ví dụ làm hàng giả hàng nhái, công bố tác phẩm khi chưa được phép của tác giả…) mà còn áp dụng cả với các hành vi liên quan (ví dụ hành vi nhập khẩu, xuất khẩu, phân, bán… các sản phẩm vi phạm SHTT)

Đừng để nước đến chân mới nhảy

Trung tâm WTO và Hội nhập trực thuộc VCCI cho biết, CPTPP cũng quy định rất cụ thể về thủ tục tố tụng liên quan đến quyền SHTT, theo đó, chủ sở hữu quyền phải được phép kiện ra Tòa để yêu cầu thi hành các quyền SHTT, và các Tòa án phải có quyền yêu cầu chủ thể bị cáo buộc vi phạm phải cung cấp thông tin hoặc bằng chứng vi phạm mà họ đang kiểm soát cho chủ thể quyền hoặc Tòa án; quyền ban hành các lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn hàng hóa vi phạm SHTT đưa vào lưu thông thương mại và quyết định buộc bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu… Đây là điều rất mới, bởi cho đến nay, ở Việt Nam, nguyên đơn mới là người phải chứng minh hành vi vi phạm của bị đơn, và trong quá trình tranh chấp, chưa có bất cứ một biện pháp ngăn chặn nào được thể chế hóa để hạn chế thiệt hại cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ.

CPTPP cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải có giải pháp chủ động cắt kết nối và phạt nặng các hành vi xâm phạm SHTT khi bị phát hiện. Đây cũng là một nút thắt lâu nay tại Việt Nam mà các chuyên gia khuyến nghị gỡ bỏ lâu nay nhưng chưa có kết quả. Hiện trạng là, các đơn vị phát hiện bị vi phạm bản quyền hầu như chỉ có cách “kêu làng” để mong đợi kẻ vi phạm “hồi tâm” mà tự dỡ bỏ, chứ không hề có bất cứ cơ chế hạn chế hoặc phạt vi phạm hành chính, chưa nói là đưa ra hình sự, theo thỏa thuận CPTPP.

Một điều hiển nhiên là, nếu muốn cộng đồng tôn trọng SHTT của mình thì chúng ta buộc phải nhanh chóng tham gia vào cuộc chơi chung. Một hệ thống pháp luật chặt chẽ, và cơ chế thực thi hiệu quả nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho tiến trình sáng tạo, đồng thời ngăn chặn các rủi ro khi hội nhập sâu vào cộng đồng CPTPP là việc cần làm ngay từ năm bản lề này, trước khi quá muộn.

Lê Quốc Vinh