0908.326.779 - 0906.362.707
 

An toàn thực phẩm và trách nhiệm của doanh nghiệp

28/04/2018    3.06/5 trong 10 lượt 
An toàn thực phẩm và trách nhiệm của doanh nghiệp
Việc doanh nghiệp tự công bố sản phẩm thực phẩm trừ một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế có hiệu lực từ đầu tháng 2/2018 được xem như cuộc cách mạng về cải cách thủ tục hành chính, với kỳ vọng giúp giảm chi phí hành chính, giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp

Thực tế hiện nay công tác quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm tại Việt Nam có sự thay đổi phương thức quản lý, theo đó giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp theo hướng giảm tối đa tiền kiểm, tập trung hậu kiểm. Như vậy, đa số thực phẩm thông thường doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm về chất lượng an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng chịu trách nhiệm hậu kiểm. Điều này đã tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp phát triển... Tuy nhiên, việc tự công bố không có nghĩa là doanh nghiệp thích công bố như thế nào thì công bố, vẫn phải đảm bảo mức trần an toàn theo quy định quốc tế ban hành.

Ở đây cùng với việc giảm các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp thì trách nhiệm của doanh nghiệp phải đặt cao hơn lúc nào hết, nhằm đảm bảo các sản phẩm chất lượng an toàn đến người sử dụng.  Từ chú trọng chất lượng sản phẩm vừa an toàn cho người tiêu dùng, đáp ứng được những tiêu chí về vệ sinh, môi trường, sức khỏe đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung.

Việc tạo điều kiện thông thoáng thủ tục đầu vào của cơ quan quản lý nhưng đầu ra của các sản phẩm sẽ được các cơ quan chức năng quản lý chặt. Ở đây, doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm, còn cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ là rất lớn.

Mới đây, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất - kinh doanh thực phẩm”.  Đây được xem là chỉ đạo trọng tâm, quyết liệt trong việc chuyển giao cách quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo tinh thần Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP.

 

Như vậy, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh là đồng nghĩa với việc cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm phải tự nâng cao ý thức, vai trò trách nhiệm trong sản xuất, luôn đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật như chính sự đăng ký, tự công bố chất lượng đến cơ quan chức năng và trong cộng đồng người tiêu dùng. Nếu như trước đây, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thì đơn vị thường chuẩn bị những mẫu kiểm tốt nhất để có được đánh giá tốt, được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm thì nay cơ quan chức năng sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý vi phạm ngay, nếu doanh nghiệp sản xuất thực phẩm không thực hiện đúng quy chuẩn như đã tự công bố. Đây chính là cách doanh nghiệp khẳng định uy tín, thương hiệu, tự nâng cao chất lượng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường

Như Phong