Trước đó, khi thực hiện
Nghị định 38/2012/NĐ-CP, một trong những vấn đề gây bức xúc nhất cho doanh nghiệp là những bất cập về thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định
an toàn thực phẩm. Thủ tục này đã biến thành một loại “giấy phép con” gây tốn kém rất lớn cho doanh nghiệp.
Một khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho thấy, để xin được một giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, trung bình doanh nghiệp phải mất khoảng 4 tháng và khoản chi phí (chính thức cũng như không chính thức) khoảng 10 triệu đồng với thực phẩm thường và khoảng 30 triệu đồng với
thực phẩm chức năng.
Điều đáng nói là việc quản lý này hoàn toàn chỉ… trên giấy. Bởi cơ quan nhà nước cấp giấy xác nhận cũng chỉ dựa vào hồ sơ do doanh nghiệp cung cấp, kết quả
kiểm nghiệm sản phẩm cũng do doanh nghiệp tự lấy mẫu kiểm nghiệm. Nói cách khác, việc cấp giấy xác nhận công bố phù hợp hầu như không có ý nghĩa trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong thực tế.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Điểm mới đầu tiên trong Nghị định 15, doanh nghiệp được tự
công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật, thay vì gửi hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận, chỉ trừ một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế các địa phương như thực phẩm bảo vệ sức khỏe,
phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi. Đặc biệt, một số mặt hàng sẽ được miễn công bố. Với quy định trên, khoảng 95% sản phẩm thực phẩm không cần tiến hành các thủ tục về mặt hành chính.
“Căn cứ công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm, trong đó sẽ mở rộng phạm vi, nâng cao mức xử phạt theo quy định pháp luật” - PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Nghị định 15 cũng đề cập sự thay đổi cơ bản về quản lý thực phẩm
nhập khẩu, chỉ kiểm tra xác suất trên lô hàng và hồ sơ, chứ không kiểm tra bằng cảm quan như trước đây. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc kiểm tra cụ thể trên lô hàng nhằm ngăn chặn kịp thời những sản phẩm không đạt chất lượng trước khi lưu thông trên thị trường. Nghị định 15 quan tâm nhất là chỉ tiêu về mặt an toàn, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục các chất cần được kiểm nghiệm, xét nghiệm trước khi lưu thông và đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn thực phẩm, dự kiến khai trương vào tháng 6-2018.
Chế tài mạnh hơn
Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Nghị định 15 cũng thể hiện sự phân công, phân cấp mạnh mẽ nhằm tránh sự chồng chéo, đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện. Qua đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của địa phương cũng được tăng cường. Cụ thể, Nghị định 15 không quy định trực tiếp đơn vị nào của địa phương quản lý mà giao UBND tỉnh, thành phố quyết định, dựa theo tình hình thực tế.
Riêng với TP Hà Nội, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở Y tế, Sở Công Thương Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình UBND TP Hà Nội sửa đổi quy định về phân cấp quản lý an toàn thực phẩm. Hướng điều chỉnh vẫn là quản lý theo địa bàn, Chủ tịch UBND các cấp phải chịu toàn bộ trách nhiệm về quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn mình.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, dù Nghị định 15 tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng không có nghĩa là buông lỏng quản lý. Thậm chí, khi cho phép doanh nghiệp
tự công bố sản phẩm không có nghĩa là họ muốn công bố, quảng cáo thế nào cũng được. Nếu việc công bố khác với chất lượng sản phẩm trên thực tế, doanh nghiệp không những bị xử phạt nặng, mà còn bị thu hồi toàn bộ sản phẩm công bố sai; thậm chí, cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu dừng việc sản xuất.
Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các địa phương dồn nguồn lực vào công tác hậu kiểm khi hậu kiểm cần lấy mẫu và kiểm nghiệm ngay lập tức. Nếu kết quả không đạt chất lượng, cần có biện pháp xử lý nghiêm, tránh trường hợp nhiều địa phương đi kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm, nhưng mấy tháng sau mới có kết quả. Lúc này, sản phẩm vi phạm có thể đã được đưa ra tiêu thụ hết trên thị trường và người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả.
Song song với việc triển khai thực hiện Nghị định 15, hiện liên bộ Y tế - Công Thương - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều thống nhất đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 178/2013/ NĐ-CP, ngày 14-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó tăng mức xử phạt, nhằm có chế tài xử lý mạnh mẽ, mang tính răn đe hơn.