Những năm gần đây, Mặt trận Tổ quốc các cấp của TP Hà Nội tham gia giám sát trực tiếp những vấn đề dư luận quan tâm, trong đó có tham gia giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Việc giám sát đã đạt những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đặt ra như giải quyết kết quả giám sát và trình độ của người tham gia giám sát.
Năm 2016, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch liên tịch số 148/KHLT/UBND - UBMTTQ về việc thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020. Đây là lĩnh vực khó và mới mẻ, song lại gắn với cuộc sống hằng ngày của người dân. Sau hai năm thực hiện kế hoạch, đã đạt những kết quả đáng khích lệ.
Do việc thực hiện ATVSTP có liên quan đến nhận thức của người dân, nhất là những người sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm, UBMTTQ và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như qua hệ thống loa truyền thanh huyện và các xã, phường, thị trấn... Chú trọng tuyên truyền quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi; khuyến khích người dân phát hiện và báo cáo với các cơ quan chức năng những trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP). Một số quận, huyện đã thực hiện tốt việc tuyên truyền như huyện Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm. Trong đó, riêng hệ thống MTTQ huyện Hoài Đức năm 2017 đã tổ chức tám lớp tập huấn, đồng thời lồng ghép với các hoạt động của khối đoàn thể cho gần 1.300 hội viên.
Đối với công tác giám sát, MTTQ ba cấp: thành phố; quận, huyện; xã, phường, thị trấn đều tổ chức các đoàn giám sát với sự tham gia của cán bộ ngành y tế, nông nghiệp, thương mại. Tại khu dân cư, Ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố và chi hội, đoàn thể tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của nhân dân đối với hành vi vi phạm ATTP. Năm 2017, Đoàn giám sát do Ủy ban MTTQ TP Hà Nội chủ trì đã giám sát tại các quận gồm: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm... Qua việc giám sát đã phát hiện một số cách làm hay, cần sớm được nhân rộng. Chẳng hạn như quận Hoàn Kiếm xây dựng và triển khai đề án "Nhà hàng, khách sạn bảo đảm ATTP và không khói thuốc trên địa bàn quận Hoàn Kiếm giai đoạn 2017 - 2018". Đến hết năm 2017, qua thẩm định, có 69 trong số 80 cơ sở đạt tiêu chí về bảo đảm ATTP và không khói thuốc. Việc xây dựng đề án này góp phần tích cực trong thu hút khách du lịch trên địa bàn. Quận Tây Hồ thay vì dàn trải, tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản như: phổ biến pháp luật và giám sát với các bếp ăn tập thể, các cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố tại khu du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, nước uống đóng bình, đá viên và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ thịt gia súc, gia cầm.
Quá trình giám sát cũng đã phát hiện những bất cập trong công tác tuyên truyền, quản lý ATTP. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Đình Đức cho biết: "Việc giám sát thực hiện ATVSTP cho thấy, ở một số địa bàn, cán bộ năng lực chuyên môn còn hạn chế, sự phối kết hợp giữa các ngành còn có lúc chưa thống nhất, đồng bộ và còn thiếu cán bộ chuyên trách theo dõi chung về ATTP ở cơ sở. Bộ máy làm công tác ATTP ở tuyến quận, huyện, xã, thị trấn chủ yếu kiêm nhiệm. Đây là những lý do khiến hiệu quả quản lý ATVSTP chưa cao, thành phố cần sớm tìm giải pháp khắc phục. Trong đó, thành phố cần xem xét bổ sung công chức phụ trách ATVSTP cho tuyến này".
Một vấn đề khác đặt ra là việc giải quyết các kiến nghị tố giác từ quá trình giám sát của Mặt trận cũng như cộng đồng. MTTQ có thể phát hiện ra sai phạm thông qua giám sát, tiếp nhận các phản ánh của người dân về vi phạm ATVSTP, những phát hiện này sẽ được chuyển tới cơ quan chức năng giải quyết. Tuy nhiên, một số kiến nghị chưa được xử lý thỏa đáng. Cùng với tăng cường công tác quản lý, tích cực tuyên truyền, đại diện lãnh đạo UBMTTQ thành phố đề nghị cần phải xử lý nghiêm các vi phạm, Chính phủ cần quy định chế tài xử lý vi phạm trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm mạnh hơn, đủ sức răn đe; nên thu gọn đầu mối việc quản lý nhà nước về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm