Ngoài ra, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường, ngày càng có thêm nhiều hàng hóa mới, quá trình trao đổi, mua bán cũng phát sinh những vấn đề mới mà Nghị định 89 chưa có những quy định để điều chỉnh. Trước tình hình đó, Nghị định 43/2017/NĐ-CP (Nghị định 43) về nhãn hàng hóa đã được xây dựng với mục đích tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cũng như bảo vệ người tiêu dùng.
Một trong những điểm mới của Nghị định 43 là quy định cụ thể đối tượng không điều chỉnh. Trước đây, Nghị định 89 quy định đưa ra các loại hàng hóa được loại trừ là: Bất động sản; hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa tạm nhập để tham gia hội chợ, triển lãm sau đó tái xuất; hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu; quà biếu, tặng... và để cơ quan quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa đề xuất bổ sung tùy theo sự phát triển của thị trường. Với quy định mới nêu rõ các đối tượng được đưa ra ngoài danh
sách có điều chỉnh như: Hàng xuất khẩu không tiêu thụ nội địa, hàng trung chuyển, xăng dầu, khí (LPG, CNG, LNG) chất lỏng, xi măng rời không có bao bì thương phẩm đựng trong container, xi téc và hàng đã qua sử dụng. Tuy nhiên, quy định mới bổ sung điều chỉnh việc ghi nhãn đối với hàng hóa là quà biếu, tặng.
Những quy định mới góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp như: Miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là linh kiện
nhập khẩu trong dịch vụ sửa chữa, bảo hành, không nhằm mục đích mua bán; miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất nội bộ, không nhằm mục đích mua bán. Hàng hóa xuất khẩu nhưng không xuất khẩu được quay trở lại lưu thông trong nước cho phép gắn nhãn phụ, không phải làm lại toàn bộ nhãn hàng hóa. Doanh nghiệp được phép tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa và các hiệp định Việt Nam tham gia. Doanh nghiệp có hàng hóa được sản xuất tại nhiều cơ sở khác nhau mà có cùng tiêu chuẩn chất lượng, thì được ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, không phải ghi tất cả các địa chỉ sản xuất như quy định cũ.
Nhằm giảm chi phí về nhãn hàng hóa cho doanh nghiệp, Nghị định 43 cho phép hàng hóa có nhãn cũ được tiếp tục lưu thông, sử dụng cho đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa đó. Những nhãn hàng hóa, bao bì đã in sẵn trước thời điểm Nghị định 43 có hiệu lực vẫn được tiếp tục sử dụng, nhưng không quá 2 năm kể từ ngày 1-6-2017.
Bảo vệ người tiêu dùng
Quy định mới sẽ chấm dứt tình trạng bày bán trên thị trường những hàng hóa là hóa chất,
phụ gia thực phẩm dạng rời không có bao bì thương phẩm, trong khi đó lại là những loại hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng. Hàng hóa được san chia, sang chiết, đóng gói lại cũng phải thực hiện yêu cầu về nhãn mác để khắc phục tình trạng doanh nghiệp cố tình nhập nhằng ngày sản xuất, hạn sử dụng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Theo đó, hàng hóa có bao bì đóng gói đơn giản, hàng hóa dạng rời là phụ gia thực phẩm, hóa chất, không có bao bì thương phẩm mà bán trực tiếp cho người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân bán hàng phải công khai các thông tin sau để người tiêu dùng nhận biết như: Tên hàng hóa, hạn sử dụng, cảnh báo an toàn, tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, hướng dẫn sử dụng. Với chất phụ gia, doanh nghiệp phải ghi tên nhóm, tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS. Trường hợp chất phụ gia là hương liệu, chất tạo ngọt, chất tạo màu thì ngoài ghi tên nhóm, tên chất, cần ghi thêm chất đó là “tự nhiên”, “giống tự nhiên”, “tổng hợp” hay “nhân tạo”.
Ngoài ra, hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Ông Nguyễn Nam Hải cũng cho biết, trong thời gian qua, quá trình kiểm tra nhà nước về
chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho thấy, các doanh nghiệp vẫn thực hiện việc ghi định lượng của hàng hóa khi bán ra thị trường. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp ghi chưa đúng theo quy định. Đối với hàng hóa nhập khẩu, nhiều đơn vị nhập khẩu chưa có nhãn phụ hoặc trên nhãn phụ cách ghi chưa phù hợp với quy định. Việc quy định ghi rõ định lượng trên nhãn hàng hóa, người tiêu dùng có thêm thông tin để lựa chọn sản phẩm. Cơ quan quản lý căn cứ vào định lượng công bố trên nhãn hàng hóa và kết quả kiểm tra thực tế có thể xác định được doanh nghiệp có gian lận về đo lường hay không, đặc biệt là đối với những hàng hóa có giá trị lớn như vàng trang sức, mỹ nghệ