0908.326.779 - 0906.362.707
 

Không khả thi

24/08/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Không khả thi
Trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25-4-2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm do Bộ Y tế soạn thảo mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã kiến nghị bỏ thủ tục cấp công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm trước khi lưu hành, mà để doanh nghiệp tự công bố. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, người tiêu dùng có thể tin tưởng vào sản phẩm mà doanh nghiệp tự sản xuất, rồi tự xác nhận chất lượng an toàn thực phẩm?
Chưa thể xóa bỏ

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ vẫn giữ nguyên quy định, một sản phẩm nếu muốn được đưa ra thị trường buộc doanh nghiệp phải thực hiện các bước và gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm. Sau khi đạt chất lượng sẽ phải nộp hồ sơ cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xin xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm. Cuối cùng, Cục An toàn thực phẩm xem xét cấp giấy xác nhận công bố thực phẩm đó phù hợp an toàn thực phẩm.

 

 

Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra mẫu mã, tem sản phẩm trên địa bàn thành phố.


Theo đại diện của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thủ tục cấp giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm hiện được tiến hành theo quy trình và cách thức như một “giấy phép con”, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi theo quy định, kể từ khi nộp đủ hồ sơ, thời gian trả lời là 15 ngày làm việc với thực phẩm thường và 30 ngày làm việc với thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng. Song thực tế, sau thời hạn quy định này, doanh nghiệp thường nhận được công văn yêu cầu bổ sung và thường nhận nhiều lần, mỗi lần bổ sung thời gian thẩm xét tính lại từ đầu. Trong khi việc cấp công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm thông qua hồ sơ do doanh nghiệp nộp chỉ là thủ tục hành chính kiểm soát “trên giấy tờ”, không có hiệu quả quản lý giảm tình trạng mất an toàn thực phẩm. Nên chăng, bỏ thủ tục cấp công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm trước khi lưu hành, mà để doanh nghiệp được tự công bố.

Về vấn đề này, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, cấp công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đúng là một thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nói thủ tục này không có hiệu quả quản lý là không đúng. Chẳng hạn, một doanh nghiệp khi nộp hồ sơ, họ sẽ kê khai đầy đủ sản phẩm sử dụng phụ gia gì, hàm lượng bao nhiêu… và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước lúc này là phải thẩm định hồ sơ, xem việc kê khai của doanh nghiệp đã phù hợp quy định chưa. Nếu thấy không phù hợp, cơ quan quản lý sẽ hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh lại để sản phẩm trước khi được cấp phép lưu hành ra thị trường đạt đủ các tiêu chuẩn. “Nếu không có bước kiểm soát này, doanh nghiệp cứ sản xuất, sau đó tự công bố, rồi bán ra thị trường. Như vậy, không ai dám chắc sản phẩm đó có đạt tiêu chuẩn không. Thậm chí, bản thân doanh nghiệp cũng không biết sản phẩm của mình có đạt tiêu chuẩn không” - bà Trần Việt Nga cho hay.

Theo ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục An toàn thực phẩm), sản xuất sản phẩm thực phẩm khác với sản xuất bàn ghế, giấy bút…, doanh nghiệp có thể tự công bố giá trị kích thước dài, ngắn bao nhiêu. Còn sản phẩm thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn thì bắt buộc phải thực hiện công bố hợp quy và công bố quy chuẩn. Chưa kể, sản xuất, kinh doanh thực phẩm của nước ta xuất phát từ nền nông nghiệp nhỏ lẻ. Vì vậy, hiện chúng ta có hàng chục triệu cơ sở sản xuất theo quy mô hộ gia đình cung cấp thực phẩm ra thị trường, nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng rất lớn. Còn những nhà máy lớn, chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn chỉ mới xuất hiện những năm gần đây và chiếm tỷ lệ nhỏ trên thị trường.

Không thể “thả gà ra đuổi”

Hiện có nhiều nước Châu Âu và một số nước Châu Á như: Singapore, Nhật Bản đang áp dụng rất thành công phương pháp quản lý, bằng cách để doanh nghiệp tự công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn thực phẩm, còn cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung đi hậu kiểm, tức kiểm tra trên thị trường. Đây là các nước rất tiên tiến, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp rất cao. Còn thực tế hầu hết các nước trong khu vực: Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Trung Quốc cũng đang áp dụng như Việt Nam.

Bà Trần Việt Nga cho rằng, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, người dân ở nước ta còn hạn chế, tình trạng cố tình vi phạm, lách luật để vi phạm còn phổ biến. Chẳng hạn việc, người dân “trồng rau 2 luống, nuôi lợn 2 chuồng, một để ăn và một đem bán”. Ngoài ra, muốn chuyển từ phương thức quản lý tiền kiểm sang hậu kiểm, đòi hỏi một lực lượng thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường hùng hậu, chất lượng cao. Ở Nhật Bản có đến 12.000 thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, trong khi cả ngành Y tế nước ta hiện chỉ có khoảng gần 400. Nếu để doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường, sau đó chúng ta mới tiến hành kiểm tra, thì không thể có đủ lực lượng để kiểm soát được chất lượng.

Thực tế trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP, khi xây dựng, Bộ Y tế đã giảm bớt nhiều thủ tục không cần thiết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đơn cử việc miễn đăng ký công bố sản phẩm cho những nguyên liệu nhập khẩu chỉ để xuất khẩu; miễn ghi nhãn tiếng Việt cho những sản phẩm nhập khẩu để gia công và xuất khẩu, chứ không tiêu thụ trên thị trường Việt Nam; miễn kiểm tra nhà nước với hàng thực phẩm nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế… Tuy nhiên, theo bà Trần Việt Nga, với những thủ tục cần thiết thì vẫn phải giữ, không thể "thả gà ra đuổi". Trong quá trình triển khai, nếu phát hiện cán bộ nào lợi dụng thủ tục để có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, “hành” doanh nghiệp, thì cần phải xử lý nghiêm
Xuân Lộc