Theo kế hoạch, sáng 30-6, UBND TP HCM sẽ họp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP và các bên liên quan để "chốt" lại nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật tại các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh, vận chuyển ra khỏi địa bàn TP là của thú y hay của ban
Ngày 29-6, công tác trên vẫn được lực lượng thú y TP đảm nhận nhưng do trước đó đã cắt nhân sự bàn giao cho Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP nên đã xảy ra tình trạng quá tải. Cụ thể, khi chợ đầu mối Hóc Môn nối lại việc cấp giấy thì chợ đầu mối Bình Điền lại bị gián đoạn.
Việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch với thịt và các sản phẩm từ thịt tại nhà máy Vissan những ngày qua vẫn được bảo đảm
Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP, cho biết ban sẽ thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP trong việc cấp giấy, nếu giao cho ban thì ban sẽ tổ chức thực hiện nhưng quan điểm của ban vẫn cho rằng công việc trên giao cho thú y sẽ phù hợp với Luật Thú y. "Việc sửa luật sẽ lâu vì còn phải ra Quốc hội trong khi cái khó của Chi cục Thú y là nhân sự thì TP sẽ giải quyết nhanh hơn. Giao cho ban hay giao cho thú y đều có cái khó nhưng sẽ phải khắc phục để phục vụ xuyên suốt cho người dân, không gián đoạn" - bà Lan nói.
Theo quy định hiện hành về kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn thì việc kiểm dịch không phải là "cấp giấy" theo đăng ký của chủ hàng mà phải thực hiện nhiều thao tác như: kiểm tra thực trạng hàng hóa, điều kiện bao gói, bảo quản, lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y, thực chất là kiểm tra các vi sinh vật liên quan đến an toàn thực phẩm. Thông tin trên giấy chứng nhận kiểm dịch rất chi tiết từ tên hàng, chủ hàng, mục đích sử dụng, số lượng, niêm phong, biển số xe phương tiện vận chuyển...
Tại TP HCM, ngoài sản phẩm động vật nội địa còn rất nhiều sản phẩm nhập khẩu qua các cảng lân cận, về bảo quản tại các kho lạnh trên địa bàn TP trước khi đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh nên nhu cầu cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh khá lớn, từ 200-250 giấy/ngày. Tuy nhiên, theo thông báo ngày 23-6 của Chi cục Thú y thì từ ngày 27-6, đơn vị này chỉ nhận cấp giấy xuất tỉnh trong trường hợp động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ các cơ sở sản xuất ban đầu như: chăn nuôi, thu hái, đánh bắt và tại các cơ sở giết mổ dẫn đến những "lình xình" vài ngày qua. Vụ việc này khiến rất nhiều cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh thịt và sản phẩm chế biến từ thịt bị ảnh hưởng. Riêng Công ty Vissan, do có sẵn một trạm thú y ở cơ sở giết mổ lẫn chế biến nên việc cấp giấy không bị ảnh hưởng. Lãnh đạo công ty cho biết rất biết ơn sự phối hợp của các ban, ngành để giữ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được bình thường, nhất là thời điểm cần đẩy mạnh tiêu thụ thịt heo để giải cứu heo cho nông dân.
Thiếu nhân sự kiểm dịch
Theo tìm hiểu của phóng viên, chuyện thiếu nhân sự kiểm dịch ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cá nhân, tổ chức đã từng xảy ra với nhiều mặt hàng xuất khẩu. Gần đây nhất là việc xuất khẩu thanh long đi Đài Loan (Trung Quốc) không hết công suất vì 4 nhà máy nhưng phía bạn chỉ cử… 1 kiểm dịch viên nên 1 nhà máy chỉ hoạt động được 1 tuần/tháng. Thậm chí, có giai đoạn phải ngưng hẳn vì không có kiểm dịch viên. Hay trước đây là xuất khẩu gạo đi Trung Quốc cũng đã từng bị gián đoạn vì lý do tương tự. Đáng lưu ý là tiền lương của những kiểm dịch viên được cử sang Việt Nam giám sát, cấp giấy đều không do nước nhập khẩu trả mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải trả!