0908.326.779 - 0906.362.707
 

Cần quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

29/06/2022    4.65/5 trong 18 lượt 
Cần quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm
Việc quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn gặp khó khăn, do đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế cả về nhân lực và cơ sở vật chất.

Ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm diễn ra vừa qua, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm đã giao Bộ Công Thương tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành. Xin ông cho biết, việc thanh tra, kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đã đạt những kết quả như thế nào?

Cần quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm
Ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương

Thực hiện phân công của Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Kế hoạch số 375/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 18/3/2022 về việc triển khai Tháng hành động an toàn thực phẩm năm 2022, Bộ Công Thương chủ trì 02/06 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương do Vụ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục Quản lý thị trường làm trưởng đoàn, thành viên đoàn là đại diện của Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt… Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra tại tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng, tỉnh Điện Biên, tỉnh Lai Châu.

Qua báo cáo và thực tế kiểm tra tại 4 tỉnh nêu trên đã ghi nhận 1 số kết quả như sau: Thứ nhất, công tác chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 được quan tâm ở tất cả các cấp tại địa phương từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Chính quyền các cấp đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo sự chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo sự thống nhất từ tỉnh/thành phố đến cơ sở.

Thứ hai, công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm cho nhân dân đã được các cấp, các ngành triển khai được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, dễ tiếp cận, phù hợp với các đối tượng, diễn biến tình hình dịch Covid-19 và được đẩy mạnh vào các dịp cao điểm.

Thứ ba, công tác thanh, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh/thành phố tiếp tục được duy trì, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.

Trong quá trình làm việc tại các địa phương, các đoàn công tác liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì đã trực tiếp kiểm tra và lấy mẫu tại 7 doanh nghiệp. Kết quả các mẫu đều đạt yêu cầu. Một số tồn tại đoàn đã giao cho ban chỉ đạo liên ngành của tỉnh tiếp tục xử lý, yêu cầu khắc phục và báo cáo.

Mặc dù đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên, việc quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn gặp khó khăn, nhất là trong đợt dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến công tác an toàn thực phẩm. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến khó khăn này?

Thông qua công tác hậu kiểm 6 tháng đầu năm và Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2022 chúng tôi nhận thấy một số khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại các địa phương. Đó là, đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế cả về nhân lực và cơ sở vật chất.

Cần quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm do Bộ Công Thương thành lập kiểm tra tại địa phương

Cụ thể, biên chế cho công tác an toàn thực phẩm rất hạn chế, đặc biệt tại tuyến huyện, xã. Cán bộ quản lý an toàn thực phẩm chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chuyên môn về lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, hoạt động của hệ thống kiểm nghiệm tại các địa phương còn nhiều hạn chế, năng lực kiểm nghiệm chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm quy mô nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình trên địa bàn tỉnh còn chiếm tỷ lệ cao nên việc áp dụng các mô hình chuẩn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng như công tác quản lý và áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động của loại hình chợ cóc, chợ nông sản vỉa hè phục vụ dân sinh còn nhiều; người tiêu dùng ở nông thôn có thói quen tiện đâu mua đấy, ít quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Ngoài ra, hậu quả và những ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế xã hội. Các ngành như du lịch, giải trí, ăn uống… mặc dù đang trên đà phục hồi nhưng phần nào vẫn ảnh hưởng tới hoạt động kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm của các cơ quan, đơn vị.

Việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới cũng đòi hỏi tăng cường hơn nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có những hành động, giải pháp gì để kinh doanh thực phẩm theo hướng văn minh, hiện đại bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, thưa ông?

Với vị trí là đơn vị đầu mối của ngành Công Thương trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, trong thời gian tới Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tham mưu với lãnh đạo Bộ chỉ đạo thực hiện một số nội dung gồm: Tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm với công tác quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường, bình ổn thị trường, cân đối cung cầu, nâng cao năng suất chất lượng thực phẩm ngành Công Thương và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, hài hòa với các chuẩn mực quốc tế.

Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuyển mạnh sang hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định phục vụ quản lý Nhà nước.

Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng là thực phẩm trên địa bàn góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Mặt khác, chủ động, tăng cường tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng và chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, tiến hành tổ chức xác minh ngay và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai các thông tin cho người tiêu dùng biết theo quy định.

Đặc biệt, với thực phẩm xuất khẩu, chủ động đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, phối hợp các nước trong kiểm tra tại nguồn nhằm giúp cho thực phẩm của chúng ta xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới được đảm bảo về an toàn thực phẩm.

Quỳnh Nga - Thu Hường