Các đại biểu (ĐB) lo ngại tính hiệu quả sau khi thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban, trăn trở mới nhận nhiệm vụ hơn 3 tháng, cần có thêm thời gian để chống thực phẩm bẩn
Câu chuyện về
an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được các ĐB thảo luận sôi nổi trong kỳ họp HĐND TP.HCM khóa 9 lần thứ 5 diễn ra vào chiều 4.7.
Theo đó, ĐB Nguyễn Mạnh Trí đề nghị Ban an toàn vệ sinh thực phẩm công khai minh bạch về việc kiểm soát được bao nhiêu phần trăm về
ATVSTP trên địa bàn TP để người dân không hoang mang, lo lắng khi sử dụng thực phẩm.
“Cơ quan chức năng phải quản lý được thực phẩm tận gốc sản xuất vì hiện nay các tiểu thương buôn bán không biết rõ xuất xứ của thực phẩm có an toàn hay không, không có cơ quan nào kiểm định chất lượng
vệ sinh an toàn thực phẩm”, ĐB Trí thắc mắc.
Trả lời ĐB Trí, bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM) cho biết chưa có con số nào cụ thể khẳng định ban đã giám sát được bao nhiêu % tình trạng ATVSTP trên địa bàn TP.HCM.
Bà Lan hứa hẹn với các ĐB HĐND: “Cuối năm 2017 hoặc thêm 1 năm nữa ban mới đưa ra con số cụ thể. Tôi chỉ mới nhận nhiệm vụ được 3 tháng nên đang loay hoay thủ tục hành chính để tiến hành làm một cách đúng pháp luật".
Nhiều thủ tục sẽ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu
Bà Lan cho biết sắp tới sẽ có kết quả cụ thể, công khai, minh bạch và có đề xuất với cấp trên để bớt thủ tục về cấp phép giấy chứng nhận về thực phẩm. Doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực thực phẩm đang bị bủa vây bởi một rừng giấy chứng nhận, cụ thể có 59 thủ tục để cấp các loại giấy từ các bộ, 47 loại thủ tục được ủy quyền cho địa phương. Nhiều thủ tục như vậy sẽ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu.
Bà Lan khẳng định nếu không làm chọn lọc dẫn tới sa đà, sau khi cấp phép giấy chứng nhận họ hoạt động như thế nào mới quan trọng
Trong buổi thảo luận, các ĐB còn lo ngại về vấn đề thanh tra kiểm tra của Ban ATVSTP vì đã đi vào hoạt động được 3 tháng nhưng chưa thấy kết quả. Bà Lan cho biết việc thanh tra, kiểm tra cần phải có cơ sở pháp lý, hiện Ban có mấy chục thanh tra viên, có nhân sự từ Sở Công thương chuyển qua nên phải đào tạo lại từ đầu. Phải tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ thanh tra cho viên chức, công chức mới có thể tiến hành đi thanh tra.
Kiểm tra xong, thực phẩm đã vô bụng người dân
Trong thời gian tới, ban sẽ thành lập 8 đội thường trực tại các quận huyện, địa bàn nóng về ATVSTP để quản lý ATVSTP. Bà Lan cho rằng các quận huyện phải kết hợp với 8 đội này để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, đừng để xảy ra chuyện mới truy tìm trách nhiệm của sở, ban ngành.
ĐB Hà Phước Thắng nêu ý kiến đối với các mẫu thực phẩm kiểm tra ở các chợ đầu mối, sau khi kiểm nghiệm xong nếu thực phẩm không đạt chất lượng thì không thể thu hồi vì trong quá trình kiểm tra người dân đã sử dụng thực phẩm bẩn.
Bà Lan khẳng định: “Ngày trước nếu lấy thực phẩm tươi sống kiểm nghiệm ít nhất vài ngày mới có kết quả, kết quả dương tính thì thực phẩm bẩn vô bụng người dân hết rồi.Vì vậy, hiện nay Ban đã trang bị cho thanh tra phòng xét nghiệm nhanh, nếu kết quả dương tính thì ngưng lô hàng đó lại để thu giữ, xử lý ngay lập tức”.
Nhiều ĐB lo ngại không biết tính hiệu quả sau khi thành lập Ban ATVSTP, bà Lan cho rằng: “ Từ khi nhận nhiệm vụ chỉ mới hơn 3 tháng, xin TP cho ban thêm thời gian để xem thử có làm được hay không chứ bây giờ hứa thì khó”.