0908.326.779 - 0906.362.707
 

Tăng cường trách nhiệm người sản xuất, kinh doanh thực phẩm

18/04/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Tăng cường trách nhiệm người sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Đó là chủ đề của Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018. Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Văn Hữu, tháng hành động nhằm tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP), đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực thi pháp luật về ATTP. ông Nguyễn Văn Hữu cho biết:

- Trong tháng hành động, các cơ quan chức năng phối hợp thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào các cơ sở nhỏ lẻ, các làng nghề…

Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm để cảnh báo cho cộng đồng. Song song với đó, sẽ thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, kiến thức về bảo đảm ATTP tới các cơ sở và người dân…

 Kết quả của các đợt thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này ra sao, thưa ông?

- Từ đầu năm 2018 đến ngày 10-4, chúng tôi đã tổ chức thanh, kiểm tra tại 40 cơ sở, trong đó có 8 cơ sở không đạt yêu cầu. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai đã ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 76 triệu đồng.

Các nội dung vi phạm như: không thực hiện khám sức khỏe, không thực hiện xác nhận kiến thức về ATTP, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hết hiệu lực, không công bố sản phẩm hoặc chưa thực hiện tự công bố sản phẩm, xảy ra ngộ độc thực phẩm…

 Ông có thể cho biết về tình hình ngộ độc thực phẩm hiện nay trên địa bàn tỉnh? Tính chất, nguyên nhân và cách xử lý như thế nào?

- Đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm làm 118 người phải nhập viện, không có người tử vong. Nguyên nhân do thức ăn nhiễm vi sinh vật.

Nhiều người rất thích ăn những món ăn đường phố. Trong ảnh: Chờ mua đồ ăn từ xe hàng rong tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh. Ảnh: H.DUNG
Nhiều người rất thích ăn những món ăn đường phố. Trong ảnh: Chờ mua đồ ăn từ xe hàng rong tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh. Ảnh: H.DUNG

Trước đó, năm 2017 xảy ra 8 vụ ngộ độc, gồm 5 vụ ngộ độc thực phẩm tại các loại hình cơ sở do tuyến huyện, thị quản lý, 1 vụ tại trường học (tuy nhiên không xác định được nguyên nhân); 2 vụ ở Công ty TNHH sản xuất và thương mại Miền Quê (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch).

Để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân khách quan do tần suất thanh, kiểm tra ATTP tại tuyến huyện giảm; công tác truyền thông chưa tốt. Nguyên nhân chủ quan do các cơ sở cung cấp thực phẩm chủ yếu thu gom thực phẩm từ nhiều nơi khác nhau, các loại nguyên liệu thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ của cơ quan nhà nước và người cung cấp nguyên liệu thực phẩm...

Năm 2017, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai đã xử phạt các công ty để xảy ra ngộ độc thực phẩm với số tiền 34 triệu đồng. Năm 2018, chi cục xử phạt nhà thầu để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Friwo Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) số tiền 25 triệu đồng.

UBND các huyện cũng đã xử phạt vi phạm hành chính các đơn vị vi phạm số tiền 23,5 triệu đồng.

 Giải pháp nào để hạn chế ngộ độc thực phẩm, thưa ông?

- Chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP,  tăng cường tần suất thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tổ chức thanh kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng truyền thông bằng nhiều hình thức và bằng các chủ đề thiết thực theo từng thời điểm; tổ chức tập huấn ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm. Tuyên truyền, nhấn mạnh vai trò của ATTP đến chủ cơ sở, người chế biến và người dân.

Ngày 18-4, Sở Y tế sẽ tổ chức lễ phát động Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018. Tại các huyện và TX.Long Khánh cũng đồng loạt triển khai lễ phát động này với sự tham gia của lãnh đạo chính quyền, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm.

Từ ngày 15-4 đến 15-5, 4 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành thanh, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của cấp trên trong công tác đảm bảo ATTP tại địa phương; trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác quản lý nhà nước về ATTP; kiểm tra thực tế các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm, việc cam kết bảo đảm ATTP theo quy định...

Huy động nhiều đối tượng khác nhau cùng chung tay thực hiện ATTP theo mô hình tự kiểm tra ATTP tại bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp và trong trường học. Đồng thời, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp an toàn, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap hoặc GlobalGap...

 Hàng rong cũng là một trong những nguyên nhân nhân  gây mất ATTP. Tuy nhiên, công tác quản lý mặt hàng này còn khá lỏng lẻo?

- Hàng rong có ưu điểm giá thành rẻ, nhanh chóng, tiện lợi. Tuy nhiên, hàng rong tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP như: nguồn nguyên liệu, môi trường chế biến, phục vụ ăn uống không đảm bảo các điều kiện vệ sinh.

Hiện nay, việc quản lý các cơ sở hàng rong được giao cho UBND phường, xã, cụ thể là trạm y tế xã, phường. Tuy nhiên, do người bán thay đổi địa điểm bán hàng liên tục nên việc quản lý cũng gặp khó khăn. Mặt khác, một số hàng rong chỉ bán hàng vào buổi tối, theo thời vụ hoặc một thời gian ngắn, trong khi cán bộ phụ trách ATTP của trạm y tế cũng phải kiêm nhiệm nhiều chương trình khác.

Do đó, giải pháp được đưa ra là  địa phương cần nhân rộng mô hình điểm thức ăn đường phố; tăng cường công tác tuyên truyền cho người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng để lựa chọn những cơ sở đảm bảo ATTP.  Nhân rộng mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP đối với tuyến huyện, thị, thành phố đến xã, phường, thị trấn.

Xin cảm ơn ông!

Hạnh Dung