Đang vào dịp cao điểm mua sắm dịp Tết. Từ chợ truyền thống đến siêu thị, cửa hàng tiện ích… tại TP Hồ Chí Minh, lượng người đến xem và mua sắm đã bắt đầu tăng cao. Đây cũng là lúc các lực lượng quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) căng sức làm nhiệm vụ để giúp người tiêu dùng tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy vậy, người tiêu dùng thành phố vẫn cảm thấy bất an khi những thông tin liên quan thực phẩm liên tục xuất hiện
Cuối tháng 1 vừa qua, đoàn kiểm tra của Ban quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện gần bốn tấn thịt heo được chất đống ngay trên nền nhà không bảo đảm vệ sinh, đang chờ chế biến tại ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Đoàn kiểm tra còn ghi nhận một công ty đang sơ chế răng mực trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh; tường, trần, nền khu vực sơ chế rất nhếch nhác.
Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện hơn hai tấn lòng heo được tẩy trắng bằng ô-xy già; hai tấn giò chả được chế biến bằng nguyên liệu không rõ nguồn gốc; hai công-ten-nơ với hơn 27 tấn sản phẩm động vật không giấy tờ tại các cơ sở chế biến thực phẩm. Theo khai nhận của các chủ hàng, đây là các nguyên liệu dùng để chế biến lạp xưởng, xúc xích, giò chả… bán trong dịp Tết, hàng thành phẩm chủ yếu tiêu thụ tại thành phố và đưa về các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Theo Trưởng Ban quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan, hiện còn nhiều doanh nghiệp không chấp hành các quy định về ATTP như điều kiện vệ sinh, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đầy đủ. Vẫn còn tình trạng sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm, bất chấp tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng. Cùng với đó, việc xác định nguồn gốc hàng thực phẩm kinh doanh tại chợ cũng gặp nhiều khó khăn, vẫn còn nhiều mặt hàng chưa xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Mới đây, Ban Quản lý ATTP thành phố đã phát hiện một xe chở 550 kg thịt heo không rõ nguồn gốc trà trộn tiêu thụ ở chợ Bình Điền. Lái xe một mực không khai chủ lô hàng nêu trên mà nhận là của mình. Do không chứng minh được xuất xứ, lực lượng chức năng đã đưa lô hàng đi tiêu hủy và xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, mức xử phạt chỉ có 20.000 đồng/kg, tính ra chỉ có 12,5 triệu đồng, chưa tương xứng với hành vi vi phạm…
Có lẽ cũng do mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP còn nhẹ cho nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn những người buôn bán vì lợi nhuận đã cố tình kinh doanh các mặt hàng thực phẩm không an toàn, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ đang được sửa đổi theo hướng: Sản phẩm không đúng như công bố sẽ bị xử lý; sản phẩm đã kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn mà không đạt được theo chỉ tiêu đó sẽ bị xử phạt rất nặng và rút giấy phép. Người tiêu dùng đang rất mong có biện pháp xử lý “mạnh tay” như vậy.
Cùng với việc ngăn chặn thực phẩm bẩn, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển, tạo nhiều chuỗi thực phẩm an toàn cho người dân, để thực phẩm bẩn không còn cơ hội tồn tại…