0908.326.779 - 0906.362.707
 

TPHCM nhân rộng dán tem truy xuất rau quả

03/07/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
TPHCM nhân rộng dán tem truy xuất rau quả
UBND TPHCM vừa có thông báo khẩn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương lên kế hoạch nhân rộng việc dán tem truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả trên toàn địa bàn thành phố

Việc dán tem truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả được thực hiện thí điểm tại TPHCM được khoảng 6 tháng nay và bước đầu được người tiêu dùng tin cậy, theo thông báo từ UBND TPHCM.

Cụ thể, qua 6 tháng thực hiện, số lượng sản phẩm có dán tem được cung ứng ra thị trường tăng 3 lần, từ 4 tấn/ngày lên 8 tấn/ngày sau 3 tháng và tăng lên 12 tấn/ngày sau khoảng nửa năm.

Lực lượng kiểm tra dán tem truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả gồm có Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương và Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố.

Theo đó, UBND thành phố cho biết sẽ nhân rộng việc dán tem truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả trên địa bàn TPHCM từ nay đến cuối năm 2017 có sự phối hợp với các tỉnh thành khác trong kiểm soát, dán tem truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả cung ứng về TPHCM.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đang đánh giá tỉ trọng rau, củ, quả được dán tem truy xuất nguồn gốc trên tổng lượng rau, củ, quả bán ra tại thành phố. Đồng thời, Sở Công Thương cũng đánh giá tỉ trọng sản lượng heo có đeo vòng nhận diện nguồn gốc (kể cả lượng heo nhập về từ các tỉnh) trên tổng lượng heo tiêu thụ tại thành phố.

Đánh giá về tác động của việc dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đại diện một doanh nghiệp thương mại tại TPHCM từng nhận định rằng thực tế lượng rau tiêu thụ chưa tăng như kỳ vọng, nhưng chương trình đã tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. 

Những vấn đề được đề cập đến trong thời gian qua liên quan đến bất cập trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại TPHCM đối với cách kiểm soát nguồn thực phẩm từ các nơi chuyển về TPHCM, thiếu nguồn nhân lực, quy định xử lý vi phạm an toàn thực phẩm còn nhẹ và chưa chặt chẽ, việc nhiều sở ngành cùng quản lý một ngành sản xuất dẫn đến chồng chéo...

Hiện sản xuất nông nghiệp tại TPHCM chỉ đáp ứng 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, còn lại phải nhập từ các địa phương khác. TPHCM có khoảng 240 chợ truyền thống chuyên kinh doanh hàng thực phẩm, trong đó có ba chợ đầu mối lớn chuyên tiếp nhận các nguồn thực phẩm, rau củ, thực phẩm từ các địa phương về hàng ngày.

Hiện TPHCM là đầu mối lưu thông một lượng lớn thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu, cung cấp thực phẩm cho các tỉnh, thành khác. Thống kê cho thấy mỗi ngày thành phố cần 1.000 - 1.200 tấn thịt, trong đó thịt heo khoảng 8.000 - 10.000 con, trâu và bò 800 - 900 con, gia cầm 100.000 - 120.000 con. Ngoài ra, thành phố cần thực phẩm đông lạnh nhập khẩu khoảng 264.000 tấn/năm, chưa kể nhu cầu tiêu thụ rau của người dân thành phố lên đến 1 triệu tấn/năm và khoảng 170.000 tấn thủy sản/năm.

Theo thông tin được TBKTSG Online đăng tải trước đây, thống kê của UBND thành phố, trong năm 2016, thành phố đã xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng 512 người nhưng không có ai tử vong. Để hạn chế ngộ độc thực phẩm ngay từ khâu sản xuất, trong năm nay TPHCM sẽ tổ chức tập huấn và thi xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho gần 56.000 người trực tiếp sản xuất – kinh doanh thực phẩm. Thành phố cũng triển khai thí điểm đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và chợ Bình Điền

SGGP