0908.326.779 - 0906.362.707
 

Hướng đi mới ở TP Hồ Chí Minh

17/01/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Hướng đi mới ở TP Hồ Chí Minh
TP Hồ Chí Minh công bố sẽ tổ chức hội chợ Xanh đầu tiên vào những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018. Điều khác biệt so với những hội chợ khác là những sản phẩm trưng bày tại hội chợ này đều phải có các tiêu chuẩn “xanh” an toàn

  Sự kiện này không chỉ mở ra cơ hội để người dân thành phố (TP) chọn lựa sản phẩm cho ngày Tết, mà quan trọng hơn nhằm đưa sản xuất nông nghiệp áp dụng chuẩn “xanh” an toàn, nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm nông nghiệp (SPNN) đạt chuẩn và nhà sản xuất đề cao trách nhiệm.

Đa dạng đầu ra từ những phiên chợ Xanh

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có hai chợ đầu mối nông sản đón nhận hàng hóa từ nhiều tỉnh, TP trong cả nước, sau đó được các chủ vựa phân phối ra thị trường phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng và nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất nhỏ. Với hình thức này, SPNN đưa về chợ phần lớn chưa được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn, không có thương hiệu cho sản phẩm.

Sản phẩm nông nghiệp an toàn được giới thiệu ở diễn đàn nông nghiệp hữu cơ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Từ những nỗ lực chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, nhiều giải pháp được đẩy mạnh nhằm áp dụng chuẩn cho SPNN. Các ban, ngành như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh… đã xây dựng kế hoạch, mô hình cụ thể để thực hiện mục tiêu này. Trong thời gian từ ngày 25 đến 28-1-2018, hội chợ Xanh đầu tiên được Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty TNHH Fire Phoenix tổ chức sẽ diễn ra tại Nhà thi đấu Quân khu 7 gắn với chủ đề: “Mua sản phẩm xanh, đón Tết an lành”. Hội chợ đặc biệt này hướng tới mục đích giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm sạch, an toàn, bảo đảm cho sức khỏe, được sản xuất bởi những doanh nghiệp (DN) uy tín, trung thực.

Không chỉ riêng sự kiện sắp tới, thời gian qua, người tiêu dùng ở TP Hồ Chí Minh đã được tiếp cận những SPNN an toàn thông qua các “Phiên chợ Xanh-Tử tế” được tổ chức tại 163 Pasteur, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh vào những ngày cuối tuần. Người tiêu dùng có thể mua rau sạch, gạo sạch và nhiều loại SPNN đã được chứng nhận minh bạch về nguồn gốc nông sản và kết nối trực tiếp với người sản xuất. Người mua có thể trao đổi trực tiếp với đại diện của nhà sản xuất, nông dân để hỏi kỹ về quy trình và nguồn gốc sản phẩm.

PGS, TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho biết: “Quản lý và công nhận SPNN đạt chuẩn trước khi đưa ra thị trường là quyết tâm lớn của lãnh đạo TP. Cùng với việc xây dựng những vùng sản xuất, TP đang đa dạng hóa các hình thức đưa sản phẩm xanh đạt chuẩn, như: Đạt chứng nhận “Chuỗi thực phẩm an toàn”, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm hữu cơ... đến với người tiêu dùng. Qua đó, không chỉ giới thiệu những sản phẩm "xanh" mà còn góp phần giúp người dân và DN chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm, có trách nhiệm trong ý thức sử dụng cũng như trong sản xuất, kinh doanh SPNN, thực phẩm...”.

“Số hóa” cho sản phẩm, phát triển nông nghiệp hữu cơ

Trong việc áp dụng, chứng nhận sản phẩm xanh đạt chuẩn, khó nhất là bảo đảm truy xuất nguồn gốc, minh bạch các tiêu chuẩn của sản phẩm. Một cách làm mới được ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh tập trung làm trong những tháng gần đây là phân loại, quy hoạch và số hóa cho SPNN. Ông Dương Hoa Xô, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong năm 2018, sở sẽ hoàn tất xây dựng bản đồ số hóa sản xuất nông nghiệp. Qua đó nâng cao việc quản lý, giám sát quy hoạch và xây dựng những diện tích nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn an toàn”.

Điểm đặc biệt của chương trình này là thông qua bản đồ số, người dân và DN có thể truy cập để biết thông tin SPNN an toàn, như: Quy hoạch, số hộ dân canh tác, số liệu thổ nhưỡng, khí hậu, số liệu thông tin sản xuất, những tiêu chuẩn của SPNN được áp dụng… Hơn nữa, những khu vực sản xuất nông nghiệp này sẽ được gắn hệ thống định vị GPS và liên tục được ngành chức năng cập nhật thông tin, dữ liệu, góp phần giám sát tình hình dịch bệnh cây trồng và vật nuôi, cũng như hoạt động dự báo số lượng, chủng loại các SPNN có thể sản xuất ra trong từng thời kỳ nhất định.

Để có vùng sản xuất nguyên liệu an toàn, thời gian qua TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo xu hướng của thế giới là phát triển nông nghiệp hữu cơ. Hơn 47.000 tỷ đồng được ngành nông nghiệp TP đưa vào đầu tư cho công nghệ sản xuất, xây dựng thương hiệu và quy trình sản xuất an toàn. Đến nay, nhiều DN, hợp tác xã đã tổ chức sản xuất giống, hình thành các chuỗi sản xuất khép kín, xây dựng các thương hiệu nông sản an toàn; đã phát triển được hơn 250ha rau năng suất cao, các trang trại cung cấp giống nông nghiệp cho nhiều tỉnh, TP, các trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA)-đơn vị tổ chức "Phiên chợ Xanh-Tử tế", TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đúng đắn và đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Hoạt động này đang mang lại hiệu quả cụ thể và điều cần thiết hiện nay là các SPNN hữu cơ cần được chứng nhận đạt chuẩn, qua đó sẽ nâng cao sức cạnh tranh đối với các sản phẩm hữu cơ nhập khẩu, tránh được tình trạng “tự xưng” SPNN hữu cơ gây mất niềm tin của khách hàng.

Kiểm soát chặt chẽ, áp dụng các tiêu chuẩn xanh cho sản phẩm, đa dạng kênh đầu ra cho sản phẩm xanh sẽ giúp ngành nông nghiệp TP phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao và tạo sự lan tỏa cho các tỉnh, TP khu vực phía Nam

SONG AN - QUANG MINH