0908.326.779 - 0906.362.707
 

Bài toán trách nhiệm ai đang gánh?

08/06/2021    4.6/5 trong 5 lượt 
Bài toán trách nhiệm ai đang gánh?
Để hàng loạt các doanh nghiệp, cửa hàng thời trang bán hàng công khai khi sản phẩm may mặc chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thì "trách nhiệm" sẽ thuộc về ai? Doanh nghiệp thiếu ý thức, cố tình vi phạm - hay do công tác quản lý nhà nước chưa chặt, chưa nghiêm?

Trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thuộc về Quản lý thị trường

Liên quan đến việc phát hiện loạt cửa hàng thời trang của các doanh nghiệp, cá nhân bán hàng không gắn dấu hợp quy và công bố hợp quy theo quy định – về mặt quản lý nhà nước, trao đổi với phóng viên (PV), đại diện Sở Công Thương TP. HCM, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn, môi trường cho biết:

Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2017/BCT của Bộ Công Thương thì Sở Công Thương chỉ có trách nhiệm “Tiếp nhận công bố hợp quy và đăng trên cổng thông tin của Sở; Báo cáo Bộ Công Thương số lượng sản phẩm công bố hợp quy vào tuần cuối cùng của quý II và quý IV hàng năm”. Còn trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm thuộc về lực lượng Quản lý thị trường. 

Cũng theo ông Hồng Y, về công tác tiếp nhận công bố hợp quy, Sở Công thương đã triển khai tiếp nhận 100% hồ sơ công bố hợp quy bằng hình thức trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Sở tại địa chỉ “http://congthuong.hochiminhcity.gov.vn”. Theo đó, hồ sơ nào hợp lệ sẽ được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở.

Tính đến ngày 20/4/2021, Sở Công Thương đã tiếp nhận 20.587 lượt hồ sơ công bố hợp quy sản phẩm dệt may của 987 tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố.

Nói thêm về tình hình nhiều sản phẩm, hàng hoá bày bán trên thị trường không gắn dấu hợp quy theo quy định, để giúp người tiêu dùng tránh mua những hàng hoá không rõ nguồn gốc, theo ông Hồng Y, Sở Công Thương TP. HCM cũng đã có khuyến cáo về vấn đề này.

Cụ thể, khi mua hàng, người tiêu dùng cần kiểm tra xem sản phẩm đã được gắn dấu hợp quy CR chưa? Nếu chưa thì có thể hỏi người bán hàng hoặc chủ cửa hàng. Tuyệt đối không mua các sản phẩm dệt may trôi nổi trên thị trường, các sản phẩm chưa công bố hợp quy và không có dấu CR.

Đặc biệt, khi phát hiện sản phẩm dệt may lưu thông trên thị trường mà không có dấu CR, đề nghị người dân phản ánh về Cục Quản lý Thị trường TP. HCM hoặc Sở Công Thương TP. HCM để các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý – ông Hồng Y khẳng định.

Ngoài ra, ông Hồng Y cũng hướng dẫn người tiêu dùng có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương tại địa chỉ http://congthuong.hochiminhcity.gov.vn/cong-bo-san-pham-det-may để kiểm tra tính xác thực về việc các doanh nghiệp có công bố hợp quy đối với sản phẩm dệt may hay chưa.

Hội Dệt May: “Nơi quyết liệt – nơi hời hợt”?

Ở góc độ là đầu mối tập trung các doanh nghiệp dệt may hàng đầu của nước nhà, nơi luôn sát cánh cùng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước -  PV đã có cuộc trao đổi với hai đại diện Hội Dệt May TP. Hà Nội và TP. HCM để có góc nhìn rõ hơn về vai trò của Hội trước thực trạng nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sản phẩm may mặc khi chưa đủ điều kiện đưa ra thị trường.

Cụ thể, chia sẻ với PV, ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM (Agtek) nhìn nhận: Việc bắt buộc các sản phẩm dệt may phải công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam đã giúp các doanh nghiệp ý thức hơn về việc nâng cao chất lượng và tuân thủ tiêu chuẩn các mặt hàng dệt may, từ đó đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

The ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM: Các cơ quan quản lý nhà nước cần có các

The ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM: Các cơ quan quản lý nhà nước cần có các "chế tài" cũng như việc thanh kiểm tra mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa đối với các sản phẩm dệt may đang lưu thông trên thị trường nhưng không tuân thủ theo quy định! (Ảnh: Chính Kỳ)

Theo ông Việt, thông qua việc đánh giá, chứng nhận và công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy sản phẩm dệt may đã trực tiếp đảm bảo với người tiêu dùng rằng sản phẩm đã được sản xuất với việc sử dụng hóa chất có trách nhiệm và tác động tới môi trường, con người thấp nhất có thể. Đảm bảo tính minh bạch, nhất quán và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay việc phát hiện nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh thời trang bán hàng không tuân thủ theo quy định như Báo đã phản ánh cho thấy nguy cơ đang tồn tại hàng loạt các sản phẩm dệt may không rõ nguồn gốc, hàng hoá nhập lậu và hàng giả trên thị trường.

"Về vấn đề này, các cơ quan quản lý nhà nước cần có các "chế tài" cũng như việc thanh kiểm tra mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa đối với các sản phẩm dệt may đang lưu thông trên thị trường nhưng không tuân thủ theo quy định! Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cần nói không với các sản phẩm không được gắn dấu hợp quy CR như một cách để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình" - ông Việt nói.

Đứng ở vai trò là tổ chức kết nối ngành nghề, ông Việt cho biết Hội sẽ phối hợp cùng các cơ quan ban ngành tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh doanh có trách nhiệm, sản xuất bền vững tạo ra các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Nói thêm về việc thực thi theo quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2017/BCT, ông Việt khẳng định: Hiện nay các doanh nghiệp của Hội thực hiện rất nghiêm túc, luôn đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định. Không có doanh nghiệp thành viên nào của Hội vi phạm quy định này.

Trao đổi với PV qua điện thoại về thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch Hội Dệt May TP. Hà Nội, cho biết: Khi có quy định mới của Bộ Công Thương thì Hội đã nhắc nhở các doanh nghiệp thành viên phải làm đúng theo quy định pháp luật và triển khai thực hiện để làm cho mình kinh doanh tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Đồng cũng cho biết, chưa nắm được các đơn vị thiếu cái gì khi triển khai làm cái này. Thông thường quy định nhà nước ban hành như vậy rồi mà doanh nghiệp không thực hiện thì sẽ gặp khó khăn khi ra thị trường. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ “tuýt còi” hoặc sẽ áp dụng các chế tài.

Các đối tác, kinh doanh khi thấy đơn vị sản xuất thiếu cái này, cái kia, người ta sẽ có những băn khoăn hoặc không thực hiện các hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Đồng chia sẻ thêm: “Thường doanh nghiệp sẽ chủ động cân nhắc và làm như thế nào là quyền của doanh nghiệp - Hội không thể bắt người ta làm được”.

Khi được hỏi về số lượng doanh nghiệp của Hội đã thực hiện theo quy định phải công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy trên sản phẩm dệt may, ông Đồng cho rằng: Tôi cũng nắm chưa hết được, có đơn vị làm rồi, đơn vị chưa, theo từng hoàn cảnh của từng đơn vị. Hội không thể nắm hết chi tiết số lượng đơn vị được?!.

Cũng theo ông Đồng, muốn nắm được thì phải tìm hiểu ở các doanh nghiệp một thời gian mới biết. Vì có hàng chục, hàng trăm các quy định ở nhiều lĩnh vực, không ai đi chi tiết tất cả mọi lĩnh vực được.

Theo Thông tư 21/2017/TT-BCT ngày 23/10/2017 của Bộ Công Thương ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN: 01/2017/BCT có quy định cụ thể về "Trách nhiệm và tổ chức thực hiện":

Theo đó, tại Mục 4.1.2 nêu rõ: Tổng cục Quản lý thị trường là nơi có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo quy định tại Quy chuẩn QCVN:01/2017/BCT.

Còn tại Mục 4.1.3 nêu: Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận công bố hợp quy và đăng tải trên cổng thông tin của Sở; Báo cáo Bộ Công Thương số lượng sản phẩm công bố hợp quy vào tuần cuối cùng của quý II và quý IV hàng năm”.

Mục 4.2: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm dệt may là phải Công bố hợp quy theo quy định tại Quy chuẩn này; Chịu trách nhiệm về tính pháp lý của các thông tin cung cấp theo quy định của pháp luật…

Chính Kỳ - Lê Tâm