Theo Điều 53 Luật Du lịch số 09/2017/QH14 chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2018, các khách sạn chỉ được gắn “sao” khi đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận chính thức.
1. Khách sạn không được quyền gắn sao “tự phong”
Trong Luật Du lịch sửa đổi (Số 9/2017/QH14) được Quốc hội ban hành ngày 19/06/2017 và chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2018, một trong những vấn đề đang được quan tâm nhiều nhất đó việc đăng ký chất lượng sao của các khách sạn.
Tại Điều 50 Luật này có quy định: tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chứ không bắt buộc như luật trước đây. Khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch
Tuy nhiên, không phải vì thế mà các khách sạn có quyền tự gắn sao để công bố chất lượng tiêu chuẩn và quảng bá hình ảnh. Cụ thể, tại Khoản 2 điểm đ, Điều 53 của Luật Du lịch sửa đổi 2017 có quy định: Cơ sở lưu trú du lịch “Chỉ được sử dụng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch”. Cũng theo Luật này, việc công nhận xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch có hiệu lực trong vòng 5 năm.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, cho biết: "Doanh nghiệp không đăng ký xếp hạng vẫn có thể kinh doanh bình thường nhưng không được gắn bảng là khách sạn 1,2,3,4 hay 5 sao, nếu không sẽ bị phạt nặng. Chúng tôi đã quy định rõ điều này trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật Du lịch 2017". Đồng thời, khoản Luật mới này sẽ giúp các khách sạn có được thị trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng làm ăn gian dối “treo đầu dê bán thịt chó”, gắn sao một đằng nhưng chất lượng dịch vụ lại một nẻo, gây ảnh hướng đến uy tín của ngành Du lịch Việt Nam.
2. Tiêu chí xếp hạng sao khách sạn từ năm 2018
Việc xếp hạng khách sạn đạt tiêu chuẩn sao vẫn được căn cứ theo Tiêu chuẩn Quốc gia: TCVN 4391:2015: Xếp hạng khách sạn căn cứ theo vị trí, kiến trúc, trang thiết bị tiện nghi, dịch vụ, người quản lý và nhân viên phục vụ, an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, khách sạn được xếp theo 5 hạng: 1 sao, 2 sao, 3 sao, 4 sao, 5 sao. Trong đó:
Vị trí, kiến trúc: Địa điểm kinh doanh khách sạn phải đáp ứng được các yêu cầu chung: vị trí thuận lợi, dễ tiếp cận, môi trường cảnh quan đảm bảo vệ sinh, an toàn.Bên cạnh đó, quy mô, kiến trúc phù hợp với yêu cầu kinh doanh, các khu vực dịch vụ được bố trí hợp lý, thuận tiện; Nội, ngoại thất được thiết kế, bài trí, trang trí hợp lý.
Trang thiết bị, tiện nghi: Chất lượng dịch vụ, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của từng hạng tương ứng, như: hệ thống chiếu sáng đảm bảo yêu cầu từng khu vực, cung cấp điện 24/24 giờ, có hệ thống điện dự phòng; Hệ thống nước cung cấp đủ nước sạch và nước cho chữa cháy, có hệ thống dự trữ nước, hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh môi trường…
Nhân sự: Đội ngũ quản lý và nhân viên phục vụ phải được đào tạo bài bản, đảm bảo chuyên môn, nghiệp vụ cao. Khả năng ngoại ngữ, tin học phù hợp với từng vị trí công việc và loại khách sạn; Đảm bảo yêu cầu sức khỏe, được kiểm tra định kỳ theo quy định; Mặc trang phục đúng quy định của khách sạn, có phù hiệu trên áo…