0908.326.779 - 0906.362.707
 

Xây dựng thương hiệu để phát triển sản phẩm bền vững

11/07/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Xây dựng thương hiệu để phát triển sản phẩm bền vững
Xây dựng thương hiệu là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có ý thức và hướng đi đúng đắn để xây dựng thành công một thương hiệu có giá trị. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần chủ động đầu tư về nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm và quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn. Mới đây, tại hội nghị tập huấn về xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến liên quan đến vấn đề này

TIẾN SĨ BÙI HỮU ĐẠO, NGUYÊN VỤ TRƯỞNG VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, BỘ CÔNG THƯƠNG: Xây dựng và bảo vệ một thương hiệu là cả một quá trình liên tục, bền bỉ

 

Hiện nay, khoảng 90% sản phẩm Việt Nam vào thị trường thế giới hầu hết thông qua trung gian dưới dạng thô hoặc gia công cho các thương hiệu nước ngoài. Do đó, thương hiệu Việt Nam thường mờ nhạt đối với khách hàng nước ngoài. Chưa kể, một số thương hiệu của Việt Nam thường phải đối phó với những tranh chấp thương hiệu trên thị trường thế giới. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ và đúng mức về vấn đề xây dựng thương hiệu một cách lâu dài và phát triển thương hiệu bền vững trong môi trường cạnh tranh và kinh doanh toàn cầu.

 

Để xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm hàng hóa, các nhà sản xuất phải luôn luôn đổi mới, sáng tạo, thiết lập sự tín nhiệm trong khách hàng. Do mọi hình thức đổi mới đều có thể bị sao chụp, các doanh nghiệp phải luôn đi đầu trong mọi sáng tạo để có thể đảm bảo rằng thương hiệu của mình luôn có được sự khác biệt đặc trưng trên thị trường. Để xây dựng và bảo vệ một thương hiệu bền vững, các doanh nghiệp phải luôn chú trọng cải thiện 4 giá trị cốt lõi: tính tiện dụng, khả năng sẵn sàng, tính năng của sản phẩm, dịch vụ và mối quan hệ với khách hàng để tìm ra những phương pháp mới làm tăng những giá trị mang đến cho khách hàng.

 

Thực tế trong nước và thế giới ngày càng khẳng định, trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, thương hiệu là tài sản vô hình rất có giá trị của nhà sản xuất. Thương hiệu có thể tạo uy tín, danh dự, lợi thế cạnh tranh và quyết định thành công của nhà sản xuất. Xây dựng và bảo vệ một thương hiệu là cả một quá trình liên tục, bền bỉ, đòi hỏi sự quan tâm thích đáng và có những chiến lược cụ thể của từng nhà sản xuất.

 

ÔNG NGUYỄN CÔNG HẢI, PHÓ PHÒNG KINH TẾ HẠ TẦNG HUYỆN TUY AN: Xây dựng thương hiệu để phát triển hàng đặc sản địa phương bền vững

 

Huyện Tuy An có rất nhiều sản phẩm đặc sản đặc trưng của tỉnh như bánh tráng Hòa Đa, bánh hỏi lòng heo, chiếu An Cư, nước mắm An Chấn, hải sản khô chế biến… Trước đây, một số sản phẩm đặc sản của địa phương như nước mắm Tuy An và bánh tráng Hòa Đa đã được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, giúp các sản phẩm này được nhiều nơi biết đến. Tuy nhiên, nhiều cơ sở chưa biết tận dụng lợi thế này để phát triển và quảng bá sản phẩm. Một số khác muốn đầu tư, quảng bá thì lại hạn chế về kinh phí hoặc chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào kinh phí hỗ trợ nên hiệu quả không cao.

 

Do vậy, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục kết hợp với Sở Công thương thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của địa phương. Chỉ khi đầu tư xây dựng được thương hiệu thì mới đảm bảo giá trị sản phẩm và giúp ổn định thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Có vậy, các sản phẩm đặc sản địa phương mới phát triển bền vững, “nuôi sống” được người dân.

 

ÔNG NGUYỄN HỒNG SƠN, CHỦ CƠ SỞ CHẾ BIẾN NƯỚC MẮM MỸ QUANG, XÃ AN CHẤN, HUYỆN TUY AN: Xây dựng thương hiệu mang lại nhiều giá trị cho sản phẩm

 

Là người đầu tiên được tiếp cận và biết đến ý nghĩa của việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nước mắm Phú Yên, hơn 15 năm nay, tôi luôn kiên trì xây dựng, quảng bá hình ảnh, chất lượng của nước mắm Phú Yên đến người tiêu dùng cả nước. Nhờ vậy, sản phẩm nước mắm Mỹ Quang đã từng bước khẳng định được vị trí trên thị trường. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, với quy mô vài tấn cá/năm, đến nay, cơ sở đã mở rộng quy mô sản xuất lên trên 40 tấn cá/năm. Sản phẩm nước mắm Mỹ Quang cũng đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền, mã vạch; có mặt ở siêu thị trên nhiều tỉnh, thành.

 

Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cần sự kiên trì, bền bỉ và rất nhiều công sức. Tuy nhiên, điều đó cũng mang lại cho cơ sở nhiều lợi ích như giá trị sản phẩm được khẳng định, có khả năng cạnh tranh tốt với các sản phẩm cùng loại; tạo được niềm tin lâu dài với khách hàng. Đặc biệt, sản phẩm sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập vào những kênh tiêu thụ lớn với sản lượng lớn, giá trị cao, ổn định.

 

ÔNG LÊ THANH KHANH, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KHUYẾN CÔNG VÀ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI (SỞ CÔNG THƯƠNG): Tập trung xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm địa phương

 

Tại Phú Yên, hiện nay chỉ có một số doanh nghiệp lớn quan tâm đến việc đầu tư, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm. Phần lớn doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này. Một số khác đã bắt đầu có ý thức về xây dựng thương hiệu nhưng vẫn chưa có sự đầu tư đáng kể và hiệu quả chưa cao.

 

Năm 2017, Sở Công thương đặc biệt chú trọng công tác xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Trước mắt, đơn vị dành 240 triệu đồng để hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì, đăng ký nhãn hiệu cho một số sản phẩm: bánh tráng Hòa Đa, rượu Quán Đế, nước mắm Gành Đỏ, mắm thơm Sơn Hòa, cà phê, tôm chua, thịt rộng mắm…

 

Bên cạnh xây dựng thương hiệu, trung tâm sẽ kết nối với các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng đặc sản trong và ngoài tỉnh để đưa sản phẩm đặc sản Phú Yên vào tiêu thụ. Hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sẽ được đơn vị triển khai thường xuyên, liên tục, rộng khắp để từng bước xây dựng thương hiệu đặc sản Phú Yên.

NGÔ XUÂN