0908.326.779 - 0906.362.707
 

Vấn đề nhỏ, câu chuyện lớn

13/04/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Vấn đề nhỏ, câu chuyện lớn
Có lẽ ít ai ngờ hiện đang có một văn bản quy định doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm phải có đầy đủ máy móc để sản xuất đủ các khâu, thiếu một khâu coi như chưa đạt. Chẳng hạn, doanh nghiệp phải làm được mút xốp của mũ bảo hiểm cho dù ai cũng biết đầu tư dây chuyền này cần vốn lớn, diện tích nhà xưởng cũng phải lớn.

Sẽ có người không tin, nói rằng trong sản xuất hiện đại, doanh nghiệp đâu cần làm hết mọi bộ phận cấu thành sản phẩm; họ có thể mua linh kiện ở những nhà máy chuyên dụng, vừa đảm bảo chất lượng vừa tiết kiệm - nhờ quy mô sản xuất nên các nhà máy chuyên dụng lúc nào cũng có giá thành thấp hơn. Họ sẽ dẫn chứng các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang sản xuất một bộ phận nhỏ cho máy bay hay ô tô mà cơ sở hoàn thiện sản phẩm cuối cùng có thể ở tận một nước xa xôi nào đó. Họ sẽ nêu các bài báo cho biết chiếc điện thoại iPhone chẳng hạn, có hàng trăm linh kiện, mỗi linh kiện được làm ở một nước khác, cuối cùng tất cả chuyển về Trung Quốc để lắp ráp.

Thế nhưng văn bản nói trên là có thật: Nghị định 87/2016 quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy mới ban hành ngày 1-7-2016 nói rõ một trong những điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm là có “thiết bị ép (đúc) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất lớp hấp thụ xung động (mút xốp)”...

Chính vì thế mới tuần trước các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm mới kiến nghị nên cho doanh nghiệp liên kết để làm một số công đoạn, miễn sao khi đưa sản phẩm ra thị trường phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, chứ không nhất thiết phải có đủ trang thiết bị mới được sản xuất mũ bảo hiểm.

Kiến nghị này rõ ràng là hợp lý nên có thể sẽ sớm được giải quyết. Vấn đề là làm sao để các văn bản khó đi vào cuộc sống như Nghị định 87 được soạn thảo chính xác hơn, đúng thực tế hơn. Quan trọng hơn cả là thay đổi cách suy nghĩ cơ quan quản lý nhà nước phải lo hết mọi chuyện cho doanh nghiệp. Nhà nước không cần quy định doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm phải đạt ISO 9001 chẳng hạn, hay quy định doanh nghiệp phải có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng chuyên ngành khoa học, kỹ thuật trở lên... Những chuyện này là trách nhiệm của doanh nghiệp với người tiêu dùng, họ phải lo chứ không phải trách nhiệm của Nhà nước để phải tổ chức các bộ phận kiểm tra, rồi giám sát. Cái cuối cùng Nhà nước cần nắm là chất lượng sản phẩm, chỉ cần công bố các chuẩn mà một chiếc mũ bảo hiểm đúng chuẩn phải đạt để doanh nghiệp tuân thủ.

Quản lý nhà nước ở các cấp cần theo kịp các thông lệ chung của quốc tế để tránh trường hợp quy định lạc điệu như trên. Trong khi chúng ta có những quy định thông thoáng để giúp ngành công nghiệp hỗ trợ cất cánh, lại có bộ phận khác quên đi chuyện “outsource” ngày càng phổ biến - nếu nghị định nào cũng quy định như Nghị định 87 thì làm sao các hãng như Honda tận dụng cơ hội thuê doanh nghiệp trong nước để nội địa hóa sản phẩm của họ. Vấn đề mút xốp của mũ bảo hiểm là chuyện nhỏ mà lớn là vì vậy

Nguyễn Vũ