0908.326.779 - 0906.362.707
 

Vấn đề an toàn thực phẩm có chuyển biến

30/12/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Vấn đề an toàn thực phẩm có chuyển biến
Một chuyển biến rõ rệt trong năm 2017 khi vấn đề an toàn thực phẩm đang được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là các vấn đề nổi cộm như sử dụng tràn lan hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi.

Sáng nay 29-12 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức cuộc họp báo năm để thông tin về những nội dung liên quan ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên cả nước trong năm 2017. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn chủ trì cuộc họp báo cho biết, "mặc dù hứng chịu rất nhiều khó khăn như bão lũ thiên tai ngày càng dữ dội, chăn nuôi heo khủng hoảng đầu ra... nhưng sau 1 năm sóng gió, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục đạt được rất nhiều kỳ tích, kỷ lục mới". 

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trước đây doanh nghiệp rất dè dặt khi đầu tư vào nông nghiệp nhưng chưa bao giờ ngành nông nghiệp được ưu tiên, tập trung chỉ đạo và được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư như hiện nay.

Theo thống kê đến tháng 12-2017, đã có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp lên khoảng 5.661 doanh nghiệp. Trong đó, tập trung chủ yếu là các lĩnh vực chăn nuôi, thuỷ sản và sản xuất - chế biến - xuất khẩu rau quả...

Mặc dù tính ra tỷ lệ thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp chưa tương xứng với số lượng doanh nghiệp trên cả nước nhưng lại thu hút được tỷ lệ vốn rất lớn. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và đã đầu tư hàng tỷ USD, đạt được những thành công rõ rệt

"Trong năm 2017, mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản, Chính phủ đề ra là 32-33 tỷ USD, nhưng đến giờ phút này chúng ta đã đạt con số 36,37 tỷ USD, vượt tới hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và thặng dư tuyệt đối của ngành đạt 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết.

Cùng với đó, chương trình xây dựng mục tiêu nông thôn mới đã có 2.884 xã, đạt 32,3% đạt tiêu chuẩn nông thôn mới- vượt kế hoạch được giao là 31%. 

Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, một chuyển biến rõ rệt trong năm 2017 khi Chính phủ quyết liệt thực hiện chương trình lập lại an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề an toàn thực phẩm đang được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là các vấn đề nổi cộm như sử dụng tràn lan hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi. Trong năm, kết quả phân tích 9.142 mẫu nước tiểu và mẫu thịt lấy tại các cơ sở giết mổ trên cả nước không phát hiện chất cấm salbutamol.

Cùng với đó, tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh là 0,63% (21/3341 mẫu), giảm gần 3 lần so với năm 2016. Tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hoá chất, kháng sinh là 0,89%. Tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng bảo vệ thực vật cũng giảm xuống chỉ còn 0,6% thay vì 2,05% (năm 2016). 

Tính đến thời điểm hiện nay, trên phạm vi toàn quốc đã xây dựng thành công 744 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm và thuỷ sản an toàn.

Trong năm 2018, Bộ NN-PTNT cam kết tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt đảm bảo an toàn thực phẩm nhóm thực phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; trọng tâm là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, lâm, thủy sản.
"Năm 2017 cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc chúng ta xoay trục phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực, xác định những ngành hàng có lợi thế. Trước đây, chúng ta coi trọng sản xuất lúa gạo là hàng đầu, nhưng nay chuyển sang ưu tiên phát triển những ngành hàng có giá trị cao như thủy sản, rau quả, đồ gỗ... Với hướng đi đó, trong năm 2017 ngành đã xác lập nhiều dấu mốc kỷ lục mới: xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán mốc 8,4 tỷ USD, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 8 tỷ USD. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5%, bỏ xa kim ngạch xuất khẩu gạo khoảng 2,6 tỷ USD", theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn.
VĂN PHÚC