0908.326.779 - 0906.362.707
 

Triển khai Nghị định 22 về quyền tác giả, quyền liên quan: Nâng cao công tác hậu kiểm, ý thức tự bảo vệ của tác giả

14/04/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Triển khai Nghị định 22 về quyền tác giả, quyền liên quan: Nâng cao công tác hậu kiểm, ý thức tự bảo vệ của tác giả
Mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật đã khá đầy đủ, hoàn thiện, nhưng thực tiễn công tác bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan vẫn cần có sự tự giác, chủ động bảo vệ của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

Ngày 11/4, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị - Tập huấn Triển khai thực hiện Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan (Khu vực phía Bắc).

Hội nghị có sự tham gia của đông đảo đại diện các Sở VHTT, Sở VHTTDL các tỉnh, thành khu vực miền Bắc. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Nhiều điểm mới

Nghị định số 22 có hiệu lực từ ngày 10/4/2018, đồng thời các Nghị định số 100/2006/NĐ-CP và Nghị định số 85/2011/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.

Nghị định 22 gồm 6 chương, 51 điều. Trong đó, Chương I là Những quy định chung (từ điều 1-điều 5); Chương II là Quyền tác giả gồm 23 điều (từ điều 6- 28), Chương III Quyền liên quan gồm 5 điều (điều 29-điều 33); Chương IV quy định về Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan gồm 8 điều (34-41); Chương V: gồm 7 điều (42-48) về Tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan; Chương VI: Điều khoản thi hành gồm 3 điều (49-51).

Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng, Nghị định 22 có nhiều điểm mới, trong đó, Nghị định có sửa đổi, bổ sung một số điều. Nghị định quy định việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký là 15 ngày làm việc. Trường hợp cấp đổi được rút ngắn còn 12 ngày; cấp lại, rút ngắn còn 7 ngày. Bên cạnh đó, Nghị định mới bỏ quy định đầu mối tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao). Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký sẽ được nộp tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng). Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.

Nghị định mới bổ sung quy định về biểu mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất; thu, phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất; quy định về khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình; quy định về thông tin quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; quy định thực hiện chế độ báo cáo; sửa đổi quy định về tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan phù hợp theo hướng quy định về loại hình của tổ chức, không quy định về điều kiện hoạt động; bổ sung quy định về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan...

 

 

Muôn kiểu vi phạm bản quyền

Đại diện Sở VHTT Hải Phòng cho biết, Nghị định 22 trên cơ sở điều chỉnh những bất cập, hạn chế của Nghị định 100 và Nghị định 85 trước đây, đồng thời bổ sung, cập nhật những quy định phù hợp với thực tế hiện nay sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước trong triển khai thực thi pháp luật vè quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, theo đại diện Sở VHTT Hải Phòng, trên thực tế, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan ở mức độ khá phổ biến. Hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tất cả các loại hình tác phẩm, từ tác phẩm văn học, khoa học đến tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, chương trình máy tính, nhưng phổ biến là văn học, nghệ thuật, công nghệ thông tin, tác phẩm báo chí…Các hành vi xâm phạm bản quyền cũng rất đa dạng, từ xâm phạm quyền tài sản như quyền sao chép, quyền truyền đạt, phân phối tác phẩm đến quyền nhân thân như quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm… Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi hơn với việc khai thác sự phát triển của công nghệ.

Chia sẻ quan điểm, ông Nguyễn Thanh Vân- Phụ trách bộ phận Sở hữu trí tuệ, Ban Kiểm tra Đài truyền hình Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh phát triển công nghệ như hiện nay, việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan gặp nhiều thách thức. Là một đơn vị chịu nhiều tổn thất bởi những hành vi vi phạm bản quyền “trắng trợn”, đại diện Đài truyền hình Việt Nam cho biết, qua rà soát, VTV phát hiện hàng nghìn chương trình của mình bị các đơn vị truyền thông, các trang web vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp tự ý thu, phát lại các chương trình ăn khách của VTV dưới hình thức online hoặc phát lại, đồng thời chèn quảng cáo để thu lợi bất chính.

Còn ông  Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Biểu diễn nghệ thuật của Sở VHTT Hà Nội cho biết, nhiều khi Thanh tra Sở vẫn lúng túng khi gặp các đơn thư “tố” vi phạm bản quyền. Thực tế hiện nay đang diễn ra hiện tượng, nhiều đơn vị, tổ chức xin cấp phép biểu diễn ở một nơi nhưng sau đó lại đến nơi khác biểu diễn khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Lấy ví dụ có đơn vị xin cấp phép biểu diễn ở Hải Phòng đồng nghĩa với địa phương đó thẩm định về nội dung, trong giấy phép có thể hiện là đã trả tiền bản quyền các ca khúc, tuy nhiên đơn vị này lại đến Hà Nội biểu diễn với nội dung hoàn toàn khác, ca khúc khác. Theo quy định, đơn vị đó không cần xin giấy phép biểu diễn ở Hà Nội mà chỉ gửi thông báo. Việc này khiến cơ quan chức năng rất khó kiểm tra các vi phạm.

Nâng cao ý thức bảo vệ bản quyền

Đồng tình với các quan điểm trên, ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL nhận định, hiện nay việc thanh, kiểm tra Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan gặp không ít thách thức, khó khăn. Tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra với muôn hình vạn trạng khiến cho các thanh tra viên khó nắm bắt. Các lĩnh vực thường xảy ra vi phạm bản quyền tác giả là biểu diễn nghệ thuật, karaoke…

Bởi vậy, theo ông Thái, cần tăng cường công tác hậu kiểm và nâng cao năng lực của các thanh tra ngành văn hóa ở các địa phương. Bên cạnh đó, các chủ sở hữu, tác giả phải nâng cao ý thức tự bảo vệ “đứa con” tinh thần của mình.

Đồng quan điểm, ông  Nguyễn Văn Trực, chia sẻ, Sở gặp không ít khó khăn trong việc bảo vệ bản quyền đặc biệt là trong lĩnh vực mỹ thuật. Đa số giới hoạ sĩ không đăng ký bản quyền tác phẩm của mình nên khi xảy ra hiện tượng bị làm tranh giả thì việc tranh chấp gặp nhiều khó khăn, khó phân xử.

“Bản thân tác giả, chủ sở hữu tác phẩm chưa tự bảo vệ mình. Nhiều trường hợp khi có tranh chấp mới đi đăng ký bản quyền. Có những tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ khi xảy ra tranh chấp mới đến Sở VHTT kêu gọi bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ. Điều này không đúng trình tự pháp luật và gây khó cho cơ quan quản lý trong việc thực thi pháp luật”- ông Trực chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Vân thì chia sẻ, ngoài việc tuân thủ quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ, Đài truyền hình Việt Nam cũng ý thức tự bảo vệ quyền của mình. Khi phát hiện vi phạm, chúng tôi tập hợp tư liệu, đấu tranh đòi bồi thường. Đối với các cá nhân, không đủ khả năng và tiềm lực để tập hợp tư liệu vi phạm, đấu tranh với đơn vị vi phạm đòi bồi thường như VTV thì việc bảo vệ đứa con tinh thần ngay từ khi mới “ra đời” là cần thiết.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến mong rằng, khi phát hiện vi phạm, các tác giả, chủ sở hữu có đơn kiến nghị xử lý thì cần có sự chặt chẽ kết hợp để quy trình xử lý vi phạm nhanh hơn. “Trên thực tế, có những vụ việc xử lý hành chính đã mất vài tháng, nếu phải kiện ra tòa thì mất vài năm thì không đơn vị nào đủ nhân lực để theo đuổi việc xử lý vi phạm bản quyền như vậy”- ông Nguyễn Thanh Vân băn khoăn.

“Giải tỏa” điều này, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, các văn bản pháp luật về vấn đề này đã được kiện toàn. Các đơn vị như Thanh tra Bộ VHTTDL, Cục Bản quyền tác giả, Vụ pháp chế sẽ có nhiều chương trình phối hợp thực hiện, triển khai. Ông Hùng mong muốn các địa phương tích cực tham gia, vào cuộc để Nghị định 22 được thực thi một cách hiệu quả.

Ông Hùng cũng cho biết, hiện nay, trên trang web của Cục Bản quyền tác giả cung cấp tên, số điện thoại của các chuyên gia, chuyên viên để giải đáp những vấn đề còn khúc mắc ở các địa phương trong quá trình thực thi Nghị định 22. Bên cạnh đó, trang web của Cục cũng đang được nâng cấp, trong thời gian tới sẽ hoàn thiện và cung cấp những tài liệu, những thông tin cho các địa phương, tổ chức, cá nhân thuận tiện tra cứu, tham khảo để hoạt động quản lý về bản quyền được hiệu quả hơn.

 Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, Bộ VHTTDL đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, các Bộ Ban ngành, các địa phương, các tổ chức nghề nghiệp, chính trị xã hội, các tổ chức liên quan để từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật, các quy định quản lý quyền tác giả, quyền liên quan, đưa những quy định tương đồng, hội nhập, phù hợp những cam kết quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế còn những khó khăn, những vi phạm các quy định của pháp luật ngày càng đa dạng, phức tạp hơn. Nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa có quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu, từ thực tiễn địa phương, các ý kiến đóng góp tại Hội nghị- Tập huấn sẽ được BTC tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ, để Bộ có những đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa giúp cho việc bảo vệ bản quyền tác giả ngày càng hiệu quả./.

Thảo Nguyên