0908.326.779 - 0906.362.707
 

Trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể Cam Lục Yên

16/01/2017    4.67/5 trong 6 lượt 
Trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể Cam Lục Yên
Ngày 12/1/2017 huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) tổ chức lễ công bố và đón nhận nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên” cho HTX Cam sành Lục Yên
Cam sành Lục Yên là giống cam quý, xuất hiện trên 200 năm nay, được người dân bảo vệ và trồng rộng rãi trong các thôn bản.
 
Cam sành Lục Yên từ lâu ngon nổi tiếng khắp vùng núi phía Bắc, quả màu vàng nâu không vàng khé như cam Cao Phong hay vàng rực như cam Hà Giang, vỏ sần và dày như mảnh sành nên gọi là cam sành. Múi cam róc vỏ, không dính bết vào nhau, tôm vàng rộm và rất mọng nước. Vị ngọt của cam Lục Yên đậm, không có vị chua, nhạt như một số cam ở các nơi. Đó là do nguồn nước và thổ nhưỡng của Lục Yên đã tạo nên chất lượng cam thơm ngon không giống nơi nào. Cam Lục Yên được dùng tiếp khách nước ngoài và trong các kỳ họp Quốc hội.
 
Ngoài cam sành, hiện nay Lục Yên còn có cam Vinh được người dân di thực từ Nghệ An về trồng. Đây là giống cam chín sớm, quả màu vàng, vị ngọt thanh có mùi thơm dịu. Cam sành và cam Vinh là hai giống cam được người dân trồng chủ yếu ở Lục Yên hiện nay.
 
Theo thống kê, huyện Lục Yên có 645 hộ trồng cam, với 1.736 lao động, tổng diện 308,8 ha, trồng ở 18/24 xã, trong đó cam sành 187,3 ha, cam Vinh 121,3 ha. Sản lượng cam Lục Yên hàng năm từ 2.000-2.500 tấn. Thu nhập trung bình 35-40 triệu/ha, nhiều hộ thu nhập từ cam 300-500 triệu ha.
 
Để tăng khả năng cạnh tranh và khẳng định vị thế của cam Lục Yên, UBND huyện Lục Yên đã phối hợp với  Viện Khoa học sự sống (Đại học Thái Nguyên), Cty TNHH Quảng cáo và Thương Mại tầm nhìn, Xí nghiệp Tài nguyên –Môi trường tiến hành khảo sát, điều tra, phân tích các chỉ số sinh hóa…lập hồ sơ, thiết kế Logo đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên”.
 
Ngày 25/11/2016 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Cam Lục Yên”.
 
Như vậy, kể từ hôm nay Cam sành Lục Yên đã xác lập được quyền đối với sản phẩm của người trồng cam Lục Yên. Đó chính là tấm “giấy thông hành” để cam sành Lục Yên đến được các thị trường lớn mà không bị đội lốt, tạo cơ hội cho người dân mở rộng vùng cam đặc sản, theo kế hoạch đến năm 2020 vùng cam sành Lục Yên đạt 500 ha
Nông nghiệp Việt Nam