0908.326.779 - 0906.362.707
 

Tranh luận về quy trình công bố thông tin vệ sinh an toàn thực phẩm

08/09/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Tranh luận về quy trình công bố thông tin vệ sinh an toàn thực phẩm
Trong suốt 7 năm áp dụng Nghị định 38 đã phát sinh hàng loạt vướng mắc, bất cập, là rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp

Tháng 8 vừa qua, 6 hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã đưa ra kiến nghị sửa đổi Nghị định 38, đề xuất cho phép doanh nghiệp được tự công bố mức độ tình hình tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ tiến hành hậu kiểm sản phẩm.

Có đề xuất này bởi trong suốt 7 năm áp dụng Nghị định 38 đã phát sinh hàng loạt vướng mắc, bất cập, là rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đề xuất đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận cũng như vấp phải những ý kiến trái chiều từ Bộ Y tế.

Theo nghị định 38, một sản phẩm nếu muốn được đưa ra thị trường thì phải trải qua nhiều bước gồm: Gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm; sau khi đạt chất lượng, doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng rồi gộp hồ sơ gửi cho Cục VSATTP để xin xác nhận công bố phù hợp; cuối cùng là chờ Cục VSATTP cấp giấy tờ xác nhận công bố thực phẩm đó phù hợp VSATTP.

Quy trình trên được cho là chặt chẽ. Thế nhưng sau 7 năm thực hiện, hàng loạt doanh nghiệp đã chỉ ra những bất cập khi thực hiện quy định này. Thời gian chờ đợi lâu, yêu cầu bổ sung nhiều lần, thông tin bổ sung không có trong luật, quy trình cấp giấy không minh bạch. Thậm chí theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì việc xác nhận thông tin doanh nghiệp cung cấp mà không tiến hành kiểm tra thực tế cũng chỉ là xác nhận trên giấy, không thể khẳng định thực phẩm an toàn.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: “Khi mà doanh nghiệp gửi mẫu đến các phòng thí nghiệm để lấy mẫu, thường thì những mẫu nào đạt chất lượng thì sẽ đem nộp để xác nhận công bố này và những mẫu nào không đạt thì người ta sẽ bỏ đi. Trên thực tế là như vậy. Chính do đó dựa hoàn toàn vào xét nghiệm và bảo đảm rằng nó an toàn thực phẩm thì đó là vấn đề tương đối nguy hiểm”.

Từ những bất cập này, nhiều hiệp hội sản xuất thực phẩm tại Việt Nam và thế giới đã đề nghị được tự công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, cơ quan chức năng lấy mẫu hậu kiểm định kỳ để đảm bảo thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, Cục VSATTP không đồng tình với đề xuất này bởi thực phẩm bẩn vẫn tràn lan, ý thức chấp hành của người dân còn hạn chế, việc lách luật để vi phạm còn phổ biến với nhiều hình thức tinh vi. Trong khi đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành quá mỏng, không đủ để làm công tác hậu kiểm theo đề xuất của doanh nghiệp

“Báo cáo giám sát tối cao về VSATTP của Quốc hội đã chỉ ra là VSATTP có nơi có lúc đã đến mức báo động. Tình trạng vi phạm VSATTP của một số doanh nghiệp còn diễn biến rất phức tạp. Ví dụ như bơm tạp chất vào tôm, rau hai luống, lợn hai chuồng..., một luống để ăn, một luống để bán. Cho nên vấn đề ý thức chúng ta vẫn phải giám sát chặt chẽ, cứ để tự sản xuất, tự kinh doanh trước, tiêu dùng trước, sau đó hậu kiểm thì chúng tôi e rằng khi phát hiện ra thì người tiêu dùng đã sử dụng hết những sản phẩm không bảo đảm chất lượng.”, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục VSATTP - Bộ Y tế nhân định.

Rõ ràng, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý về VSATTP đều có những lý lẽ riêng để bảo lưu quan điểm của mình. Dù đã có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc sớm sửa đổi, bổ sung chi tiết luật VSATTP nhưng đến thời điểm hiện tại, việc tiền kiểm hay hậu kiểm còn chưa ngã ngũ.

 

Những tranh luận, sửa đổi sẽ cần có thời gian và vẫn đang tiếp tục, những vụ vi phạm VSATTP thì vẫn diễn ra và không ít cơ sở bị phát hiện vi phạm cũng đang chờ được xử lý.

Theo VTV24