0908.326.779 - 0906.362.707
 

Tranh cãi gay gắt quanh đề xuất cho doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn thực phẩm

03/07/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Tranh cãi gay gắt quanh đề xuất cho doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn thực phẩm
Đại diện VCCI cùng một số hiệp hội về thực phẩm cho rằng, thủ tục công bố phù hợp an toàn thực phẩm (ATTP) tại nước ta hiện rất bất cập và đề xuất cho phép doanh nghiệp được tự công bố xác nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn chất lượng

Chiều nay, 30-6, tại hội thảo “ATTP từ quy định đến thực tiễn quản lý: vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi nghị định 38 của Chính phủ”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc quản lý chất lượng ATTP qua thủ tục công bố hợp quy, công bố phù hợp ATTP như hiện nay là không phù hợp.

Cụ thể, theo Nghị định 38/2012, để đưa một sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn ra thị trường, đầu tiên doanh nghiệp phải gửi mẫu sản phẩm thực phẩm đi kiểm nghiệm. Nếu đạt chất lượng thì doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm rồi nộp hồ sơ gửi Cục ATTP – Bộ Y tế xin xác nhận công bố phù hợp ATTP. Lúc này, Cục ATTP sẽ thẩm xét giấy tờ rồi cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp ATTP.

 

Ông Tuấn phân tích, việc quản lý bằng thủ tục kể trên không có tác dụng đảm bảo ATTP vì Cục ATTP không kiểm tra cơ sở sản xuất mà chỉ thẩm xét dựa trên tài liệu, hồ sơ. Mặt khác, việc nặng vào quản lý dựa trên hồ sơ, giấy tờ như vậy không chỉ gây tốn kém thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp mà còn thiếu minh bạch, dễ nảy sinh tiêu cực để hành doanh nghiệp.

Tại hội thảo, đại diện VCCI, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (VICEM), cộng đồng doanh nghiệp gồm Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA)… đề nghị sửa đổi, thay thế thủ tục công bố phù hợp ATTP kể trên bằng hình thức chứng nhận hợp chuẩn.

Theo đó, doanh nghiệp khi sản xuất ra sản phẩm thực phẩm mới sẽ gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định; nếu kiểm nghiệm đạt chất lượng sẽ được xác nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn chất lượng (công bố trên website của phòng kiểm nghiệm).

Tuy nhiên, đại diện Cục ATTP – Bộ Y tế dự hội thảo, ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra – Cục ATTP khẳng định, việc tăng cường quản lý, siết chặt quản lý ATTP trong bối cảnh hiện nay là nhu cầu tất yếu được đặt ra.

ảnh 2

TS Nguyễn Đình Cung phát biểu tại hội thảo

Thực tế từ khi có Nghị định 38/2012 của Chính phủ đến nay, việc thực hiện Nghị định này đã đem lại hiệu quả rõ rệt được Chính phủ, Quốc hội và cả các tổ chức quốc tế ghi nhận. Số vụ vi phạm về thực phẩm được phát hiện, xử lý nhiều hơn, ngành hàng thực phẩm có bước phát triển vượt bậc hơn, thực phẩm Việt Nam được thị trường các nước tiên tiến trên thế giới chấp nhận nhiều hơn.

Đại diện Cục ATTP khẳng định, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng như Luật chất lượng hàng hóa đều nêu rõ, với nhóm ngành hàng ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe con người thì bắt buộc phải công bố hợp quy, trường hợp nếu chưa có quy chuẩn để công bố hợp quy thì công bố phù hợp ATTP, đăng ký công bố hợp quy với cơ quan có thẩm quyền.

Do vậy, nếu cho doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, muốn công bố thế nào cũng được mà không có cơ quan quản lý thẩm định là sai luật. Hơn nữa, dù doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về công bố của mình nhưng không cơ quan nào quản lý nào quản lý hết được, thực phẩm bẩn, quảng cáo thổi phồng chất lượng chắc chắn sẽ tràn ngập thị trường.

Theo ông Trần Văn Châu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là đúng nhưng với ngành hàng thực phẩm liên quan trực tiếp tới an toàn, sức khỏe của người dân thì việc bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng phải là mục tiêu cao nhất

ANTD.VN