0908.326.779 - 0906.362.707
 

TPHCM: Có ban quản lý, vệ sinh thực phẩm sẽ tốt hơn

10/12/2016    4.6/5 trong 5 lượt 
TPHCM: Có ban quản lý, vệ sinh thực phẩm sẽ tốt hơn
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định trong năm 2017 khi Ban quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm đi vào hoạt động với tập hợp nhân lực từ Sở Y tế, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chắc chắn sẽ giúp thành phố quản lý tốt hơn vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố diễn ra chiều nay (8-12), ông Bỉnh cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho thành phố thí điểm mô hình Ban quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm và hiện Sở Nội vụ đang chuẩn bị các khâu thành lập ban, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ đầu năm tới.

Trước kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa IX diễn ra, nhiều cử tri các quận huyện trên địa bàn thành phố cũng đã đề nghị ngành y tế, cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm việc mua bán các loại thực phẩm bẩn, độc hại, không rõ nguồn gốc tại các chợ đầu mối.

Có thể thấy, TPHCM là đầu mối lưu thông một lượng lớn thực phẩm chức năng sản xuất trong nước và nhập khẩu, cung cấp thực phẩm cho các tỉnh, thành khác. Thống kê cho thấy mỗi ngày thành phố cần 1.000-1.200 tấn thịt, trong đó thịt heo khoảng 8.000-10.000 con, trâu và bò 800-900 con, gia cầm 100.000-120.000 con. Ngoài ra, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu khoảng 264.000 tấn/năm, chưa kể nhu cầu tiêu thụ rau của người dân thành phố lên đến 1 triệu tấn/năm và khoảng 170.000 tấn thủy sản/năm.

Thời gian qua, việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại thành phố vẫn còn rất chồng chéo, có nhiều ban, ngành cùng tham gia nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, đến khi xảy ra hậu quả thì không ai nhận trách nhiệm.

Về quản lý nhà nước là vậy, thực tế vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thiếu ý thức, vì lợi nhuận nên sản xuất, chế biến các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, bất chấp tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng.

Thống kê của UBND thành phố cho thấy trong năm 2016 thành phố đã xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 512 người, nhưng không có ai tử vong. Để hạn chế ngộ độc thực phẩm ngay từ khâu sản xuất, trong năm nay thành phố tổ chức tập huấn và thi xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho người trực tiếp sản xuất – kinh doanh thực phẩm cho gần 56.000 người. Thành phố cũng triển khai thí điểm đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và chợ Bình Điền.

Dự kiến khi hoạt động, Ban quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm sẽ đảm đương chức năng quản lý nhà nước, thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sơ chế, chế biến và bảo quản, vận chuyển, lưu thông, phân phối, kinh doanh  đối với tất cả các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói thực phẩm...

BKTSG Online