0908.326.779 - 0906.362.707
 

TP. Hồ Chí Minh phát hiện 535 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm

04/04/2022    4.6/5 trong 5 lượt 
TP. Hồ Chí Minh phát hiện 535 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm
Trong 3 tháng đầu năm 2022, TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 7.177 cơ sở, phát hiện 535 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt 52 cơ sở với tổng số tiền là 905.138.000 đồng.

Đại diện Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) TP. Hồ Chí Minh cho biết, công tác bảo đảm ATTP đã được Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm và chỉ đạo quyết liệt.

Thành phố đã triển khai các hoạt động truyền thông và giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường trong mùa dịch bệnh, hạn chế dịch bệnh truyền qua đường thực phẩm và các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm nhằm chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời giúp người dân hiểu đúng và đầy đủ để tự phòng bị và bảo vệ chính mình nhằm đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm cho người dân trong mùa dịch.

TP. Hồ Chí Minh phát hiện 535 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm
Lực lượng chức năng tăng cường xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái

Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và được triển khai đồng loạt trên địa bàn thành phố. Qua công tác thanh kiểm tra đã xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, ngăn chặn các sản phẩm không an toàn đến tay người tiêu dùng.

Nêu các kết quả thực hiện cụ thể, Đại diện Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP TP. Hồ Chí Minh cho hay, từ ngày 01/1/2022 đến ngày 14/3/2022, bộ phận thường trực của Ban Quản lý Đề án chuỗi đã tổ chức thẩm định và cấp 7 giấy chứng nhận cho 07 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm chuỗi thực phẩm an toàn, với sản lượng rau, củ quả, thịt gồm: Thịt gà 121 tấn/năm; thịt heo 11.334 tấn/năm, trứng gà: 7.674.228 quả/năm.

Lũy kế đến nay, đã cấp 581 giấy chứng nhận cho trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh và 398 trang trại, cơ sở sản xuất vào chuỗi với tổng sản lượng rau, thịt, thủy sản: 316.680,60 tấn/năm, trứng gà: 592.513.232 quả/năm, nước mắm: 12 triệu lít/năm và trà: 60 tấn/năm.

Cũng trong 3 tháng đầu năm 2022, thành phố đã cấp 1.845 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tiếp nhận và xử lý 154 bản cam kết lĩnh vực nông nghiệp; tiếp nhận 8.835 hồ sơ tự công bố; cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm: 41 hồ sơ.

Ngoài ra, thực hiện công tác cấp mã code cho cơ sở tham gia Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm. Hiện đã tiếp nhận 18 hồ sơ, trong đó, giải quyết cấp code cho 13 hồ sơ và đang xử lý 05 hồ sơ. Tổng sản lượng tham gia Đề án từ năm 2018 đến nay gồm: Heo thịt: 1.595.832 con/năm; gà thịt: 36.924.400con/năm, trứng:1.508.778.700 quả/năm.

Mặt khác, trong 3 tháng đầu năm 2022, TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 7.177 cơ sở, phát hiện 535 cơ sở vi phạm, xử phạt 52 cơ sở với tổng số tiền là 905.138.000 đồng. Đồng thời, hậu kiểm tại chỗ: 1.915 hồ sơ, trong đó, đạt: 960 hồ sơ (tỷ lệ: 50,13%); không đạt: 955 hồ sơ (tỷ lệ: 49,87%).

Thành phố còn triển khai 38 lớp tập huấn tuyên truyền về công tác đảm bảo ATTP cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, tại các chợ truyền thống và tuyên truyền về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ. Đáng chú ý, trong 03 tháng đầu năm 2022, TP. Hồ Chí Minh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý về ATTP, trong quý II/2022, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP TP. Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Ban Quản lý ATTP về thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính trong công tác xử lý vi phạm hành chính.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông, huy động tối đa các kênh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân với nội dung phù hợp từng đối tượng thông qua các phương thức truyền thông phong phú, đa dạng.

Triển khai công tác tập huấn ATTP cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố; rà soát hồ sơ quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, xử lý các đơn vị có dấu hiệu vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát ATTP, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các địa phương khác nhằm kịp thời ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường; thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm; tiếp nhận thông tin và xử lý đúng quy định các phản ánh về thực phẩm không đảm bảo an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…

Quỳnh Nga