0908.326.779 - 0906.362.707
 

Thực phẩm chức năng quảng bá chữa ung thư tung hoành ngang dọc

23/04/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Thực phẩm chức năng quảng bá chữa ung thư tung hoành ngang dọc
Vừa qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) giả nhưng quảng cáo hỗ trợ điều trị bệnh, thậm chí chữa được bách bệnh. Người tiêu dùng đã quá cả tin vào những lời đường mật để mua sản phẩm về sử dụng để bệnh không khỏi mà còn mang họa vào thân.

Rúng động các sản phẩm mang danh Vinaca

Một người không may bị ung thư, thay vì đi viện chữa trị họ lại tin vào quảng cáo loại thực phẩm chức năng (TPCN) chữa ung thư... nên đã tin dùng, bỏ qua “thời gian vàng” trong điều trị. Một BS Bệnh viện K Trung ương đã nhiều lần bức xúc khi nói về TPCN thổi phồng là thuốc hỗ trợ điều trị ung thư, thậm chí là thuốc chữa khỏi ung thư.

Đánh vào lòng tin của người tiêu dùng, thị trường TPCN đội lốt ra đời ngày càng nhiều. Vụ việc sản phẩm “Ung thư Vinaca Co 3.2” của Công ty TNHH Vinaca được phát hiện làm từ than tre nhưng quảng cáo hỗ trợ điều trị ung thư, u bướu, viêm loét dạ dày, tá tràng... gây rúng động dư luận. Hình ảnh đẹp mà Công ty TNHH Vinaca đánh vào lòng tin người tiêu dùng là: Vinaca hỗ trợ tiền tỉ để giúp người nghèo khởi nghiệp, cam kết làm giàu chính đáng... Nhờ đó, Công ty TNHH Vinaca đã có mạng lưới chi nhánh, đại lý rộng khắp trên cả nước thu hút hàng ngàn người tham gia.

Trong các buổi khai trương chi nhánh, thuyết trình về quá trình khởi nghiệp, lãnh đạo Công ty TNHH Vinaca đều đưa đến cho khách hàng những câu chuyện được cho là có thật nhưng hết sức vô lý. Thế nhưng, hàng trăm người vẫn ngồi xem và hưởng ứng.

Trong một đoạn clip luôn được chia sẻ trên các trang mạng tại buổi khai trương chi nhánh Công ty TNHH Vinaca tại Hà Nam, bà Nguyễn Thị Quý - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vinaca trải lòng về hành trình đã chữa khỏi bệnh ung thư kỳ diệu của mình nhờ sản phẩm của Vinaca. Tháng 9.2017, bà phát hiện khối u “to bằng quả trứng vịt” ở dưới nách. Sau đó, bà đến Bệnh viện K Trung ương kiểm tra thì được các bác sĩ kết luận là bị ung thư di căn biểu mô giai đoạn 3. Khối u sẽ vỡ sau 2 tháng nếu không điều trị, yêu cầu nhập viện truyền hóa chất. Nhưng bà quyết định không nhập viện, mà về nhà để điều trị bằng thuốc nam. Sau hàng tháng, thể trạng bà Quý xuống cấp, da vùng khối u cháy đen, quắt lại, lưỡi dày lên, không ăn uống được, chân bị chai, mất ngủ và đi lại khó khăn. Sau đó, may mắn, bà Quý biết đến các sản phẩm Vinaca. Sau đó, bà Quý đi xét nghiệm thì thấy không còn tế bào ung thư.

Hoang đường hơn, bà Phan Thị Hồng Nga, một khởi nghiệp viên thuộc tập đoàn Vinaca còn cho rằng: Da dẻ hồng hào nhờ dùng sản phẩm của Vinaca. Bà mang trong mình HIV nhưng cũng đã được đẩy lui. Kể cả khi cơ quan chức năng tại Hải Phòng phát hiện sản phẩm “Ung thư Vinaca Co 3.2” được sản xuất từ than tre, các trang mạng, trang thông tin quảng cáo vẫn rầm rộ giới thiệu sản phẩm Vinaca. Phải đến khi có sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban ngành, các đại lý của Công ty TNHH Vinaca mới đóng cửa nghe ngóng. Qua kiểm tra, đã có hơn 20 tỉnh/ thành phố có cơ sở của Vinaca “đóng chân” nhưng khi lực lượng quản lý thị trường xuống kiểm tra thì hầu hết đều đã “cửa đóng then cài”. Chưa hết, dù làm ăn gian dối Công ty TNHH Vinaca còn nhận hàng loạt giải thưởng như “Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017”, “Thương hiệu, sản phẩm bán chạy nhất Việt Nam, dịch vụ uy tín và chất lượng”. Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) bức xúc: “Tôi choáng... Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam đẻ ra Viện Chống làm giả lại đi cấp phép cho công ty điển hình của làm giả, vi phạm nghiêm trọng như này thì làm sao lấy được niềm tin của người dân?”.

Hàng ngàn TPCN được bán khắp nơi, từ các nhà thuốc, siêu thị, internet… được quảng cáo với hàng trăm công dụng, khiến không ít người xem TPCN như “thần dược” và tìm mua. Chỉ cần lướt web sẽ thấy một loạt các bài quảng cáo về các loại TPCN với các công dung như làm đẹp, giảm cân, trị bệnh, tăng cường sức khoẻ… Trên các diễn đàn, chỉ cần đặt một câu hỏi về thực phẩm chức năng, sẽ có rất nhiều những tư vấn giới thiệu các loại TPCN. Trên thực tế, một số TPCN vẫn có công dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị bệnh. Không phải hiển nhiên sản phẩm TPCN lại phát triển như vậy nếu như không đem lại lợi ích và hiệu quả cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên canh nhu cầu về TPCN của người tiêu dùng tăng cao, đã và đang mở ra cơ hội cho việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt hàng xách tay... “trà trộn” vào thị trường tiềm năng này.

Ông Trần Hùng lo lắng: Tình trạng sản xuất TPCN giả (giả về chất lượng, giả về thương hiệu và giả về nguồn gốc, xuất xứ) đang khá phổ biến. Đặc biệt TPCN đang tạo nên sự hoang mang cho dư luận. Theo ông Hùng, các sản phẩm đơn thuần, khi giám định chất lượng sản phẩm dưới 70% tiêu chuẩn cho phép được nhận định là hàng giả. Nhưng với mặt hàng thuốc, chỉ 1% đã được coi là giả vì liên quan đến tính mạng con người. Do đó, những vi phạm trong lĩnh vực này cần phải được kiểm tra sát sao và có những xử lý kịp thời.

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định: “Vì tin vào quảng cáo lừa dối dẫn đến người bệnh tin, hi vọng dùng TPCN là khỏi bệnh ung thư nên đã mua về dùng trong thời gian dài thấy không khỏi, ngày càng nặng hơn mới vội tới viện. Lúc này, tình trạng bệnh nhân đã qua thời điểm vàng điều trị ung thư, dẫn đến khi đó, phẫu thuật không được, xạ trị cũng không xong vì đã ở giai đoạn muộn. Tôi cho rằng đó là cái tội của việc quảng cáo TPCN chứ không chỉ gian dối về thương mại”, TS Phong nói.

Được biết trong năm 2017, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm 48 cơ sở vi phạm hành chính với số tiền khoảng 2 tỉ đồng. Cục đã thu hồi 105 giấy xác nhận công bố hợp quy, tiêu hủy 33 lô sản phẩm vi phạm, tạm dừng 49 lô sản phẩm. Cục đã chuyển 6 vụ có dấu hiệu sản xuất thực phẩm chức năng/kinh doanh thực phẩm chức năng giả sang cơ quan cảnh sát điều tra của thành phố Hà Nội và TPHCM để xem xét dấu hiệu hình sự

hà lê