0908.326.779 - 0906.362.707
 

Thận trọng khi sử dụng thực phẩm chức năng

16/01/2017    4.67/5 trong 6 lượt 
Thận trọng khi sử dụng thực phẩm chức năng
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người chọn mua thực phẩm chức năng (TPCN) để bồi bổ sức khỏe. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Thế nhưng, có không ít người đang sử dụng TPCN một cách “vô tội vạ” và coi đó như "thần dược" để tăng cường sức khỏe và phòng ngừa mọi bệnh tật. Song theo các chuyên gia y tế, nếu lạm dụng TPCN sẽ gây ra những hệ lụy khó lường
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc

 

Cơ thể con người rất cần các loại vitamin, nên nếu không bổ sung đầy đủ bằng con đường tự nhiên thì việc bổ sung dưỡng chất từ TPCN là cần thiết. TPCN nếu sử dụng đúng cách sẽ giúp mỗi người tăng cường sức khỏe và phòng ngừa được một số bệnh tật. Thế nhưng, không ít người lại coi TPCN như một liều thuốc “cải lão hoàn đồng” có thể chữa bách bệnh. Phần lớn người dân mua TPCN như một phong trào, thấy người thân, bạn bè mua thì mình cũng mua dùng với quan niệm “không bổ ngang cũng bổ dọc”. Tuy nhiên, nếu sử dụng TPCN bừa bãi sẽ gây ra những tác dụng phụ rất khó kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh chứ không có tác dụng chữa bệnh. TPCN sẽ tốt cho cơ thể, nếu người tiêu dùng, nhất là những người bệnh sử dụng đúng hướng dẫn của bác sĩ. Còn nếu hiểu TPCN là vô hại, hay coi là "thần dược" rồi dùng quá nhiều, dùng kéo dài liên tục nhiều tháng, nhiều năm thì ngoài việc tốn kém tiền bạc còn mang lại không ít tác hại. Đó là, sẽ bị rối loạn quá trình đồng hóa trao đổi chất trong cơ thể do liên tục phải tiếp nhận dư thừa nhiều loại chất bổ và chất dinh dưỡng. Tiếp đến, do năng lượng dư thừa được kết hợp với các chất dư thừa khác để dự trữ trong cơ thể làm mỡ máu tăng cao và mô mỡ dự trữ cũng phì đại, đường huyết tăng và các sản phẩm ô-xi hóa cũng tăng theo, gây tác hại đến nhiều bộ phận, đẩy nhanh quá trình lão hóa của cơ thể.

Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp đã lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo sai sự thật về tác dụng của TPCN; thậm chí một số nhà in, nhà xuất bản cũng tiếp tay cho các doanh nghiệp trong việc làm ăn sai trái này. Theo quy định của Luật Xuất bản thì việc quảng cáo phải có giấy phép và nội dung phải được thẩm định, thế nhưng một số doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm. 

Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã ra Thông báo số 7727/TB-ATTP gửi đến Sở Y tế tỉnh Nam Định, nội dung về việc tạm dừng sản xuất các TPCN tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Đại Y (địa chỉ tại tổ 31, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) do không bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài ra, thông báo của Cục An toàn thực phẩm còn yêu cầu tạm ngừng lưu thông 21 lô TPCN của công ty này do vi phạm quy định về ghi nhãn mác hàng hóa.

Cần siết chặt các thông tin quảng cáo TPCN

 Được biết, Luật An toàn thực phẩm hiện hành có quy định rất cụ thể về thuốc và TPCN; Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư 43, trong đó quy định, trên bao bì sản phẩm phải ghi rõ về công dụng với sức khỏe, phải chứng minh là nó có tác dụng gì đối với cơ thể con người. Ngoài ra, Bộ Y tế còn quy định cấm các thầy thuốc kê đơn và cấm quảng cáo sử dụng TPCN thay thuốc điều trị. Nếu sản phẩm mới thì phải chứng minh được quá trình thử nghiệm thực tế, tránh trường hợp sản phẩm nào cũng ghi là hỗ trợ dẫn đến gây hiểu lầm, thiệt hại cho người tiêu dùng. Mặc dù vậy, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn áp dụng chiêu trò “lập lờ đánh lận con đen” để lừa người tiêu dùng. Những quảng cáo sai thực chất, thậm chí thổi phồng quá mức và những chế phẩm TPCN được sản xuất, đóng gói tương tự như dược phẩm đã khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về tác dụng của TPCN.

Để chấn chỉnh tình trạng "loạn" quảng cáo về tác dụng của TPCN, thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra và xử phạt hơn 500 triệu đồng vi phạm về quảng cáo. Ví dụ như mới đây, ngày 21-11-2016, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định số 683/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Triệu Sơn với tổng mức tiền phạt là 65 triệu đồng vì đơn vị này đã quảng cáo sản phẩm Ancan là sản phẩm chữa khỏi ung thư khiến nhiều bệnh nhân không may mắc bệnh đã tìm mọi cách để mua về uống. Song, thực tế cho thấy, Ancan chỉ là một loại TPCN có tác dụng bồi bổ cơ thể. Mặc dù rất đồng tình, ủng hộ cách làm trên của ngành y tế, nhưng người tiêu dùng vẫn cho rằng, hành vi quảng cáo sai lệch về tác dụng của TPCN ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng cũng như lòng tin của người tiêu dùng, nên mức xử phạt như trên là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm  cho biết: Hiện các nước trong khối ASEAN đang xây dựng một khung riêng cho TPCN, có thể trong thời gian tới sẽ ban hành. Còn ở nước ta, các cơ quan chức năng cũng đang xây dựng quy định về tiêu chuẩn GMP với TPCN. Khi quy định này được ban hành, Cục An toàn thực phẩm sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn GMP với TPCN. Một trong những vấn đề bức xúc gần đây là vấn đề quảng cáo TPCN điều trị được nhiều bệnh. Các doanh nghiệp đang lách luật bằng hình thức quảng cáo qua mạng thông tin, xã hội, đây là hành vi vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm để răn đe. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và phê duyệt các quảng cáo về TPCN sao cho phù hợp với nội dung công bố. Chúng tôi sẽ phân công lực lượng rà soát các sản phẩm đăng giới thiệu trên mạng, nếu quảng cáo sai sự thật sẽ làm việc với các doanh nghiệp. Còn người tiêu dùng nên cảnh giác với những quảng cáo về TPCN, chỉ nên mua, sử dụng TPCN theo đơn của bác sĩ, tuyệt đối không sử dụng TPCN theo kinh nghiệm của người khác… Có như vậy mới không phải gánh chịu hệ lụy và lâm vào tình cảnh “tiền mất tật mang”

ANH THƯ - VĂN THI
QĐND