0908.326.779 - 0906.362.707
 

Tham gia hệ thống phân phối nước ngoài: Không còn đường lùi cho doanh nghiệp Việt

24/05/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Tham gia hệ thống phân phối nước ngoài: Không còn đường lùi cho doanh nghiệp Việt
Từ nhiều năm nay, xuất khẩu (XK) trực tiếp vào các hệ thống phân phối hiện đại được coi là hình thức xuất khẩu hiệu quả, bền vững, mang lại hiệu quả và giá trị gia tăng cao, được nhiều doanh nghiệp (DN) theo đuổi.

Do vậy, việc lựa chọn xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài của những “người khổng lồ” trong lĩnh vực bán lẻ như Central Group, Aeon, Big C… được nhận định là hướng đi khả thi để hàng Việt ngày càng xâm nhập tốt hơn vào thị trường quốc tế, từng bước khẳng định thương hiệu.

Lợi ích từ kênh siêu thị

Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, việc thực hiện Đề án thúc đẩy DN Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.

Từ đầu những năm 2000, thị trường phân phối tại Việt Nam bắt đầu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm mà mở đầu là các nước châu Âu như Đức với Metro hay Pháp với Tập đoàn Bourbon. Cũng từ đó, các DN XK Việt Nam bắt đầu tiếp cận trực tiếp để bán hàng vào các hệ thống phân phối của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, Bộ Công Thương bắt đầu hình thành ý tưởng kết nối giữa những hệ thống phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam với chính những DN XK để trực tiếp đưa hàng vào hệ thống của các tập đoàn này tại thị trường châu Âu. Các hoạt động đầu tiên để thực hiện ý tưởng này là tổ chức các tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài.

Từ lần đầu tổ chức năm 2011 tại hệ thống siêu thị Casino (Pháp), đến nay, tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài đã được tổ chức tại các hệ thống khác như Metro, Segros (Pháp); Lotte, Emart (Hàn Quốc); Aeone (Nhật Bản); Auchan, Carrefour (Pháp), Central Group (Thái Lan)…

Dự kiến từ nay tới cuối năm, các hoạt động dành cho DN XK trong khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy các DN Việt Nam trực tiếp tham gia hệ thống phân phối nước ngoài đến năm 2020” (sẽ gọi là Đề án), gồm có: Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản trong chuỗi phân phối Aeon; Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan; Kết nối các DN Việt Nam với chuỗi phân phối Walmart, Cosco, Target, Amazon tại Hoa Kỳ; Kết nối DN Việt Nam với chuỗi Coop Italia, chợ đầu mối nông sản tại Italia…

Qua đó có thể thấy, XK hàng hóa Việt qua kênh siêu thị mang lại hiệu quả tích cực cho DN, giảm tối đa chi phí trung gian, giúp người tiêu dùng sở tại tiếp cận trực tiếp với hàng hóa mang thương hiệu Việt; định vị thương hiệu hàng hóa trong tâm trí người tiêu dùng tốt hơn.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Thực tế cho thấy, tiềm năng lớn nhưng hoạt động XK trực tiếp hàng hóa vào siêu thị nước ngoài vẫn còn một số hạn chế. Theo các DN, hạn chế của hàng Việt Nam hiện nay không đến từ chất lượng mà từ việc am hiểu nhu cầu thị trường và khâu quảng bá thương hiệu.

Ông Nguyễn Anh Đức (Saigon Co.op) cho rằng, thông tin thị trường là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp thúc đẩy XK vào kênh phân phối nước ngoài. Do đó, DN sản xuất cần tăng cường đầu tư nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng để thay đổi kịp thời theo nhu cầu thị trường.

Đồng thời, linh động trong điều hành kinh doanh, phối hợp thông tin chặt chẽ với nhà phân phối. Đi kèm với đó là các giải pháp đầu tư công nghệ để tiết giảm chi phí, cam kết và bảo đảm số lượng cũng như chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm với các sản phẩm, hàng hóa.

Bà Vũ Hải Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Kim Cương Việt cũng cho biết, với sản phẩm trà làm từ nấm linh chi, là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, năm 2017, DN đã được hỗ trợ đi xúc tiến thương mại tại hệ thống bán hàng của Aeon tại Nhật.

Sau chuyến xúc tiến, sản phẩm của DN đã được đưa vào giới thiệu tại Aeon Mall Việt Nam. “DN muốn đưa được hàng vào hệ thống của Aeon, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo tiêu chí về giấy phép, thực phẩm phải sạch. Hiện tại, với những tiêu chí của nước ngoài, không cứ là Nhật Bản, ngay cả bao bì, mẫu mã cũng phải lưu ý để làm sao không chứa những chất độc hại, nhất là những bao bì nilon” - bà Hải Anh nói.

Ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc Aeon Topvalu cũng lưu ý các DN Việt Nam khi đưa hàng vào kênh phân phối nước ngoài cần gia tăng giá trị sản phẩm Việt Nam, nếu DN chú ý vào giá rẻ hoặc nhân công rẻ sẽ không mang lại lợi ích thiết thực cho sản phẩm. Hiện tại, công việc mà Aeon Topvalu đang nỗ lực xúc tiến là XK sang Nhật những sản phẩm Việt Nam đã vào được các hệ thống Aeon Việt Nam, để bán tại các Aeon Nhật Bản.

Để hàng Việt thâm nhập sâu và bền vững tại các thị trường quốc tế, thì hàng hóa bán trong siêu thị cũng là một hình thức để khẳng định hàng hóa Việt Nam được đảm bảo về chất lượng. Đây là bước quan trọng để dần xây dựng được thương hiệu của hàng hóa Việt Nam, thông qua đó xây dựng được thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Được biết, hiện Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn như Aeon, Central Group. Ví dụ, đối với Aeon, năm 2017, theo số liệu Aeon báo cáo, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam mà Aeon đưa vào hệ thống của Aeon trên toàn thế giới là 200 triệu USD. Bộ Công Thương đã đưa ra đề nghị, năm 2018, Aeon ít nhất phải tăng được gấp đôi con số nêu trên.
Lưu Hiệp