0908.326.779 - 0906.362.707
 

Thách thức trên “sân chơi” AEC

06/01/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Thách thức trên “sân chơi” AEC
Trong khi hàng hóa Việt Nam khó mở rộng thị phần tại thị trường ASEAN thì các nước trong AEC lại sớm đón trước cơ hội, tận dụng lợi thế về thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường nước ta. Chuyện doanh nghiệp (DN) nội địa “lấm lưng, trắng bụng” trên sân nhà và Việt Nam trở thành “vùng trũng” tiêu thụ hàng hóa ASEAN đã không còn là cảnh báo...

Nhập khẩu nông sản tăng “chóng mặt”

Một năm gia nhập AEC, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta không những không khởi sắc mà còn sụt giảm. Trong khi đó, kim ngạch và sản lượng nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường ASEAN lại không ngừng tăng lên. Tính chung 11 tháng năm 2016, kim ngạch nhập khẩu tăng 20,2% so cùng kỳ năm 2015, đạt mức hơn 1,4 tỷ USD, trong đó tăng “đỉnh điểm” phải kể đến hàng rau quả với mức tăng 84,9%, hàng thủy sản tăng 52,2%. Riêng nhập khẩu hoa quả từ Thái-lan tăng 88%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của hai mặt hàng này vào ASEAN chỉ tăng lần lượt 14,3% và 7,5%.

Sự chênh lệch quá lớn của kim ngạch xuất, nhập khẩu các mặt hàng này có thể thấy một mặt do nhu cầu tiêu thụ, mặt khác do chất lượng sản phẩm nhiều loại hàng hóa nhập khẩu được đánh giá cao hơn hàng trong nước, nhất là trong bối cảnh hàng nông sản nước ta đang đối mặt nhiều nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đơn cử các mặt hàng rau quả, vào các siêu thị tại những đô thị lớn, không khó để nhận thấy rau quả nhập khẩu ngập tràn, chưa kể các cửa hàng nhỏ lẻ bán trái cây nhập khẩu cũng mọc lên như nấm gần đây.

Chị Nguyễn Thị Hòa (Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Hà Nội) cho biết: “Nếu phải lựa chọn giữa trái cây Việt Nam và trái cây của Thái-lan, chắc chắn tôi sẽ mua hàng Thái-lan vì mức giá chỉ nhỉnh hơn hoa quả trong nước chút ít, nhưng yên tâm hơn nhiều về chất lượng, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Người tiêu dùng mua sắm trong hệ thống siêu thị Big C (Nha Trang). Ảnh: THÁI BÌNH

Không chỉ người tiêu dùng, cả những nhà nghiên cứu, tư vấn chính sách nông nghiệp cũng khẳng định do cơ cấu ngành hàng sản xuất và xuất khẩu của khối ASEAN có nhiều điểm tương đồng, trong khi sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam còn hạn chế so với các nước trong khu vực cho nên khi tham gia vào AEC, nước ta rất dễ trở thành “vùng trũng” nhập khẩu.

TS Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp - nông thôn) phân tích: Thái-lan là đối thủ cạnh tranh lớn trên mọi lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam như: lúa gạo, mía đường, chăn nuôi, rau quả, thủy sản. Trong sản xuất, quốc gia này đã chủ động áp dụng, đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, được nhiều nước trên thế giới công nhận. Trong khi đó, nông sản Việt Nam còn yếu trong việc bảo đảm các yếu tố này. Do đó, nông sản Việt Nam đều gặp khó khi cạnh tranh, thậm chí có nguy cơ thu hẹp thị phần trong nước và trên một số thị trường ASEAN, khi yêu cầu của người tiêu dùng về an toàn và chất lượng sản phẩm ngày càng cao hơn. Cụ thể nhất là gạo, hàng xuất khẩu của chúng ta chủ yếu là loại gạo phẩm cấp thấp, chỉ qua xay xát, chưa chế biến sâu. Trong khi đó, thị trường trong nước đang có xu hướng nhập khẩu gạo chất lượng cao, gạo ngon từ Lào, Cam-pu-chia và Thái-lan.

Bên cạnh các mặt hàng nông sản truyền thống, TS Đặng Kim Khôi còn phân tích chi tiết, chỉ ra nguy cơ các DN trong nước mất thị trường nội địa ở các ngành hàng khác như mía đường và thịt gà. Với ngành mía đường, trong tương lai, khi thuế nhập khẩu mía đường cắt giảm, Việt Nam sẽ có xu hướng tăng nhập khẩu, đáp ứng thị trường trong nước. Mặc dù nước ta phát triển ngành mía đường từ rất lâu, nhưng sản xuất vẫn theo truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ với chi phí đầu vào cao khiến giá mía và giá đường luôn ở mức cao so với thế giới. Chi phí sản xuất tại các nhà máy đường của Việt Nam ở mức 0,63 USD/kg, trong khi Thái-lan và Lào chỉ 0,38 USD/kg.

Đối với ngành chăn nuôi cũng vậy, so sánh giá thành tại cổng trại, hiện nay người chăn nuôi gà Việt Nam đang thua lỗ, không cạnh tranh được với gà nhập khẩu. Năm 2014, Thái-lan xuất khẩu thịt gia cầm sang Việt Nam đã đạt kim ngạch hơn 398 nghìn USD, gấp 10 lần so năm 2013. Do đó, khi ngành hàng này nằm trong đối tượng cắt giảm thuế, chắc chắn lượng nhập khẩu sẽ tăng mạnh hơn nữa.

Thị trường bán lẻ dần bị “thôn tính”

Không riêng nông sản, thị trường trong nước cũng chứng kiến sự “đổ bộ” hàng tiêu dùng từ Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a… Ở cửa hàng tạp hóa hay siêu thị tại các thành phố lớn, rất dễ tìm được những sản phẩm từ ti-vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt,… đến tăm bông, nước rửa chén, nước giặt, mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Thái-lan, Ma-lai-xi-a với giá bán cạnh tranh hơn hẳn. Theo thống kê của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hiện có hơn 70% hàng điện máy, đồ gia dụng và hơn 45% các mặt hàng hoa quả của Thái-lan được bày bán tại các siêu thị của Hà Nội. Kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Thái-lan tăng đột biến trong 11 tháng năm 2016: máy tính, sản phẩm linh kiện tăng 32,7%; điện gia dụng tăng 37,7%; hàng rau quả tăng 88%,... trong khi kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này của Việt Nam sang Thái-lan ở mức không đáng kể.

Thời gian gần đây, thị trường ô-tô trong nước đã xuất hiện và tràn ngập các dòng xe du lịch do Thái-lan lắp ráp. Số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, trong 11 tháng năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 98 nghìn xe với kim ngạch 2,1 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu ô-tô từ Thái-lan ở mức cao nhất cả về số lượng và kim ngạch, với hơn 30 nghìn xe, kim ngạch hơn 569 triệu USD. Tính ra, cứ khoảng ba xe ô-tô nhập khẩu nguyên chiếc, có một xe đến từ Thái-lan.

Nguyên nhân của mức nhập khẩu khá cao này là do thuế suất nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam đã giảm từ mức 50% xuống còn 40% từ đầu năm 2016, khiến chi phí cho việc nhập khẩu xe ô-tô từ Thái-lan giảm hơn so với nhập từ các thị trường khác. Từ nay đến năm 2018, khi thuế tiếp tục giảm theo lộ trình, ô-tô Thái-lan đương nhiên sẽ chiếm nhiều lợi thế hơn nữa tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2017, thuế suất nhập khẩu xe ô-tô từ khu vực ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống còn 30% và sang đầu năm 2018 về mức 0%.

Đón đầu xu hướng giảm thuế này, nhiều hãng lắp ráp ô-tô trong nước đã quyết định không tiếp tục đầu tư mới dây chuyền lắp ráp mà chuyển hẳn sang nhập khẩu từ Thái- lan về phân phối như hãng xe Toyota quyết định nhập khẩu nguyên chiếc mẫu xe ăn khách Fortuner, hãng xe Ford nhập khẩu xe Everest, còn hãng xe Honda nhập xe Civic,...

Đánh giá hiện tượng gia tăng nhập khẩu nhiều mặt hàng từ các nước ASEAN, Vụ trưởng Thống kê thương mại dịch vụ (Tổng cục Thống kê) Lê Thị Minh Thủy cho rằng: Hiện tượng này hết sức đáng lo ngại. Đi sâu phân tích số liệu nhập khẩu của từng ngành, sản phẩm mới thấy hết thách thức cạnh tranh mà các DN trong nước đang phải đối mặt. Chẳng hạn mặt hàng rau quả, kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm 2016 tăng tới 65,6%, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 2,8%.

Đáng chú ý là thị trường Thái-lan, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã tăng đột biến, tới 84,6%, gấp gần bốn lần mức tăng của cùng kỳ năm 2015 so năm 2014. Hay mặt hàng dược phẩm, kim ngạch nhập khẩu tăng 20,8%, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 0,9%,... Trước xu hướng nhập khẩu nhiều mặt hàng từ các nước ASEAN tăng đột biến trong năm 2016, nhất là từ hai thị trường lớn trong khu vực là Thái-lan và Ma-lai-xi-a, sản phẩm trong nước sẽ phải đối mặt sự cạnh tranh gay gắt hơn, thậm chí bị hàng ASEAN lấn át ngay tại sân nhà.

Không chỉ tăng mạnh về nhập khẩu hàng hóa, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đang có nguy cơ bị các DN trong ASEAN thôn tính dần. Việc tập đoàn lớn BJC của Thái-lan mua đứt chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry lớn nhất nhì Việt Nam, Tập đoàn Central Group thâu tóm siêu thị Big C,… phần nào phản ánh tham vọng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu Nguyễn Đại Thắng cho biết: Quá trình hội nhập kinh tế, việc chiếm lĩnh thị trường quyết định sự sống còn của DN. Trong đó, thị trường bán lẻ đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi khi đã có thị trường, hệ thống phân phối riêng biệt, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tự quyết định số lượng hàng hóa, chủng loại sản phẩm đưa vào kênh phân phối với mức giá cạnh tranh.

Khi các kênh phân phối trong nước rơi vào tay các DN nước ngoài thì sản phẩm của DN trong nước sẽ gặp khó khăn lớn trong tiêu thụ. Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan thẳng thắn nhìn nhận: Các nhà bán lẻ nước ngoài có thế mạnh về nhiều mặt như: vốn, tài chính, thương hiệu, con người,… cho nên hơn hẳn DN nước ta trong phát triển thị trường cũng như kỹ năng quản lý. Vì vậy, nếu muốn cạnh tranh được với các DN nước ngoài tại thị trường trong nước thì DN Việt Nam buộc phải thay đổi về chất, như nâng cao tính chuyên nghiệp, áp dụng công nghệ cao trong quản lý, hợp tác, liên kết để xây dựng chiến lược phát triển dài hạn

HÀ TUYẾT ANH và HOÀNG DŨNG