0908.326.779 - 0906.362.707
 

Tăng thêm quyền cho doanh nghiệp, trách nhiệm cũng rất nặng

02/03/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Tăng thêm quyền cho doanh nghiệp, trách nhiệm cũng rất nặng
Doanh nghiệp được tự công bố chất lượng, chỉ tiêu an toàn thực phẩm nhưng cơ quan quản lý phải kiểm soát việc công bố này đúng theo quy định

Sáng 28/2, Cục An toàn thực phẩm tổ chức Hội thảo phổ biến Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP đối với thực phẩm bao gói sẵn. Tham dự hội thảo có đại diện Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện Trung tâm 27 Chi cục ATTP các tỉnh phía Bắc.

Tang them quyen cho doanh nghiep, trach nhiem cung rat nang
 
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm TS. Nguyễn Thanh Phong

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm TS. Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh: "Nghị định này thay đổi cơ bản phương thức quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam. Trước đây, việc quản lý được thực hiện tiền kiểm là chính, kết hợp hậu kiểm, nhưng hiện nay, để thực hiện theo yêu cầu đổi mới phương thức quản lý và tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp (DN), quản lý ATTP sẽ được chuyển đổi phương thức, thực hiện cơ bản là hậu kiểm, chỉ số ít sản phẩm đặc biệt sẽ thực hiện tiền kiểm kết hợp hậu kiểm đối với cả sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu".

Ông Phong nhấn mạnh, nếu không có hậu kiểm, việc cấp giấy đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP không có ý nghĩa thực tiễn trong quản lý. Doanh nghiệp ngoài việc đủ điều kiện để cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP thì phải duy trì thực hiện cam kết. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải có trách nhiệm đặc biệt đối với sự thay đổi về phương thức quản lý mới này.

Đáng chú ý của Nghị định 15 là có hiệu lực ngay lập tức theo yêu cầu của Chính phủ (ngày 2/2). Thông thường, các Nghị định trước đây đều phải có thời gian chờ mới có hiệu lực. Vì thế, ngay trong những ngày đầu năm, Cục ATTP cùng các Hiệp hội, các đơn vị kiểm nghiệm đã tổ chức Hội thảo hướng dẫn Nghị định 15 đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhằm bắt nhịp ngay với công việc, lắng nghe và trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp về các nội dung mới của Nghị định này, tránh hiện tượng hiểu sai, hiểu nhầm trong thực hiện và quản lý.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Nhật Nam - Trưởng phòng Pháp chế - Hội nhập (Cục ATTP) cho biết, Nghị định 15 quy định nhiều điểm mới so với Nghị định 38 trước đây: Phạm vi điều chỉnh gồm 11 nội dung gồm Thủ tục tự công bố sản phẩm; Thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm, Bảo đảm ATTP biến đổi gene; Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; Kiểm tra Nhà nước về ATTP nhập khẩu, xuất khẩu; Ghi nhãn thực phẩm; Quảng cáo thực phẩm; Điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; Truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Tang them quyen cho doanh nghiep, trach nhiem cung rat nang
Nhiều doanh nghiệp được miễn đăng ký giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP

Điểm mới đáng chú ý của Nghị định 15 là mở rộng đến 10 đối tượng được miễn Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP như: sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; sản xuất kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; sơ chế nhỏ lẻ; Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng sản phẩm; Nhà hàng trong khách sạn; Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm; Kinh doanh thức ăn đường phố; Cơ sở đã được cấp một trong số các giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn ( HACCP), Hệ thống Quản lý ATTP ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn Toàn cầu về ATTP (FSSC 22000)...

Nghị định 15 về thi hành một số điều của Luật ATTP tập trung vào kiểm soát các yếu tố, chỉ tiêu về an toàn của thực phẩm chứ không tập trung vào chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm

Cúc Phương