0908.326.779 - 0906.362.707
 

Tăng kiểm soát, ngăn ngừa gian lận thương mại

24/01/2018    4.17/5 trong 6 lượt 
Tăng kiểm soát, ngăn ngừa gian lận thương mại
Theo đánh giá của cơ quan hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến năm 2017 vẫn có diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Vì vậy, năm 2018, ngành Hải quan đặt mục tiêu tăng cường các hoạt động giám sát, tiếp tục siết chặt công tác quản lý nhằm ngăn ngừa gian lận thương mại, đồng thời đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu
Diễn biến phức tạp

Đánh giá tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017, ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép vào Việt Nam thường là các loại hàng cấm, hàng có thuế suất cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, hàng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng...

Hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ là vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng tạm nhập tái xuất, tiêu dùng, như ma túy, ngoại tệ, tiền giả, pháo, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, đường, điện thoại di động, đồ chơi trẻ em... Trên tuyến đường biển, hoạt động này tập trung vào các mặt hàng xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã, đồ điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng... Tại các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế, hoạt động vận chuyển trái phép các loại hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như ma túy, vũ khí, vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, điện thoại, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng diễn biến phức tạp.

Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan bám sát các chỉ đạo của cấp có thẩm quyền triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Kết quả, từ ngày 16-12-2016 đến ngày 15-12-2017, lực lượng kiểm soát hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 14.703 vụ vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính là 797,8 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước 329,8 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 51 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 54 vụ.

Ngoài ra, lực lượng kiểm soát hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 31 vụ liên quan đến mua bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động thực vật hoang dã. Trong đó, nhiều vụ vận chuyển với số lượng lớn như vụ vận chuyển trái phép 137,5kg ngà voi và các sản phẩm chế tác từ ngà voi (vòng, hạt) từ Angola về Nội Bài; vận chuyển trái phép 9.052kg vỏ mai đồi mồi, 1.345kg tắc kè, 16kg đồi mồi sống từ Indonesia về cảng Hải An (Hải Phòng)...

Xác định rõ đối tượng, địa bàn

Nhận định diễn biến hoạt động buôn lậu trong năm 2018, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng cho biết, nguyên nhân là do lợi nhuận cao, chênh lệch về giá giữa hàng hóa ở trong và ngoài nước rất lớn, nên phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, các hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp hơn.

Để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, ông Nguyễn Phi Hùng cho biết, thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục vừa đáp ứng mục tiêu tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, vừa bảo đảm chặt chẽ công tác kiểm soát hải quan. Trong đó, lực lượng hải quan tập trung thực hiện tốt các công tác nghiệp vụ cơ bản nhằm xác định các đối tượng, địa bàn trọng điểm, hàng hóa trọng điểm để phát hiện, đấu tranh với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Lực lượng hải quan sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương nhằm phát hiện, đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi vi phạm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về mối nguy hại và các hệ lụy từ hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng thời, làm rõ thêm tình trạng một số cán bộ, công chức bảo kê, tiếp tay, dẫn đến tình hình chống buôn lậu diễn ra phức tạp. Trong quá trình cải cách hiện đại hóa ngành Hải quan, vấn đề này đã được Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính quan tâm, quyết liệt chỉ đạo nhằm phòng ngừa ngăn chặn, tập trung xử lý với các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức - là nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu còn phức tạp, phát triển. Với nhiều chuyên án chống buôn lậu, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chỉ ra những sở hở, thiếu sót trong thực thi pháp luật, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục các giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng này.

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có công văn yêu cầu Cục Điều tra chống buôn lậu, các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm; thanh tra, kiểm tra công vụ. Các đơn vị chủ động rà soát các vụ việc nổi cộm, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc, vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, xác lập chuyên án trinh sát lớn, đánh trúng, đánh đúng các đối tượng chủ mưu, cầm đầu...
Đức Anh