0908.326.779 - 0906.362.707
 

Tác quyền âm nhạc tivi trong khách sạn: Không đáng kể, nhưng vô lý thì một đồng cũng không đóng

20/09/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Tác quyền âm nhạc tivi trong khách sạn: Không đáng kể, nhưng vô lý thì một đồng cũng không đóng
Việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tuyên bố tháng 10 tới sẽ thực hiện kế hoạch thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi ở các khách sạn đang vấp phải làn sóng phản đối từ dư luận, đối tượng kinh doanh vì rõ ràng lý do cũng như phương án VCPMC đề xuất thực hiện đang đuối lý!

Nhiều ý kiến phản đối

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC cho hay, Trung tâm đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cũng như yêu cầu từ Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) để triển khai thu phí tác quyền âm nhạc tivi trong khách sạn. Trước băn khoăn: Liệu VCPMC có phải đo đếm tivi khách sạn phát ca khúc đã đăng ký tác quyền bằng… tay và miệng? Nếu không thì thống kê theo cách nào? Nhạc sĩ Phó Đức Phương trả lời: “Tuy chưa đủ năng lực để đầu tư cho thiết bị hiện đại có thể đo đếm chính xác số lượng, tần suất tác phẩm được sử dụng trên các kênh truyền hình nhưng VCPMC sẽ dựa vào những căn cứ khác, trong đó có danh sách các tổ chức, cá nhân sử dụng âm nhạc, danh sách tác phẩm của các đơn vị có nhu cầu sử dụng... Tất cả sẽ được thực hiện đúng quy trình nhằm loại trừ những tác phẩm không đăng ký tác quyền với trung tâm mà vẫn bị thu phí. Tiền bản quyền âm nhạc qua tivi tại phòng nghỉ khách sạn, VCPMC dự kiến phân phối vào quý IV hằng năm. Cũng phải nói thêm, ở nhiều nước trên thế giới, vấn đề tác quyền được thực hiện rất văn minh, nghiêm túc. Dù họ vẫn không có thiết bị để đo đếm chính xác theo kiểu chúng ta hình dung là phải gắn một thiết bị đo đếm vào tivi hoặc nan giải hơn là đếm tivi mà thu tiền, song điều đó không có nghĩa là không cách nào thực hiện được”. Nhạc sĩ Phó Đức Phương thừa nhận, một trong những trở ngại lớn nhất trong câu chuyện thu tác quyền mà Trung tâm của ông gặp phải đó chính là việc không phải nhạc sĩ nào cũng tin tưởng mà “đem con” gửi VCPMC.

Tính đến thời điểm hiện tại, các ý kiến phản đối VCPMC thu tác quyền âm nhạc tivi trong khách sạn không đơn giản chỉ là câu hỏi: Làm sao để biết phòng khách sạn có mở tivi, trên tivi có phát ca khúc, ca khúc ấy đã đăng ký tác quyền với VCPMC? Sâu xa hơn, dư luận đặt ra câu hỏi về tác quyền một ca khúc khi lên truyền hình thường đã có sự thỏa thuận về bản quyền, chi phí với tác giả, nếu VCPMC thu thêm lần nữa có phải phí chồng phí? Các hộ kinh doanh khách sạn bày tỏ quan điểm, mức phí VCPMC đề xuất không đáng kể, nhưng nếu vô lý thì “một đồng cũng không đóng”.

Về thông tin VCPMC cho rằng Cục Bản quyền tác giả đã đồng ý để Trung tâm thu phí tác quyền âm nhạc tivi trong khách sạn từ tháng 10, trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - khẳng định: “Không có văn bản nào đồng ý hay không đồng ý”. Ông Hùng giải thích thêm, trong cuộc làm việc với VCPMC vào ngày 18/8, Cục khẳng định lại nội dung yêu cầu VCPMC tạm dừng thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi tại khách sạn cho tới khi làm rõ hơn vai trò của cơ quan quản lý nhà nước cũng như vai trò của các cá nhân có trách nhiệm dân sự liên quan.

Cụ thể, VCPMC phải xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác sử dụng của tác giả, chủ sở hữu của tác giả là hội viên của Trung tâm; đồng thời xây dựng được mức giá về quyền tác giả, tác phẩm đối với tác phẩm được khai thác sử dụng. Theo đó, việc đưa ra mức giá 25.000 đồng/tivi khách sạn/năm đương nhiên phải có sự đồng thuận giữa hai bên tác giả và cơ quan được ủy quyền trên giấy tờ pháp lý chứ không đơn giản chỉ là thu phí trên các sản phẩm một cách thông thường được. Quá trình thực hiện phải hết sức cẩn trọng, có kế hoạch, sao cho minh bạch, đúng quy định pháp luật.

Tìm sự minh bạch có khó?

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Vương Duy Biên, đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) cho biết, Cục hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Cục Bản quyền tác giả trong vấn đề này. “Để nhận được sự hợp tác của các chủ khách sạn, Trung tâm quyền tác giả Việt Nam cần phải chứng minh được trong khách sạn đó có bao nhiêu tivi khách dùng bật nhạc để nghe; nghe tác phẩm của tác giả nào; tác giả có tác phẩm đó có ủy quyền cho Trung tâm hay không và việc thu tiền sẽ phân bổ cho tác giả như thế nào? Trung tâm chưa chứng minh được những vấn đề tôi nói ở trên đã tiến hành thu tiền tác quyền thì việc gặp phản ứng của các chủ khách sạn là điều dễ hiểu. Các tổ chức cá nhân sử dụng tác phẩm đều cho rằng họ không ngại việc nộp tiền, mà họ cần sự minh bạch và đúng quy định của luật về sở hữu trí tuệ cũng như các văn bản pháp luật có liên quan”, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết.

 

Không chỉ chuẩn bị khởi động việc thu tác quyền âm nhạc tivi trong khách sạn mà tác quyền tại các phòng karaoke, nhà hàng, quán cà phê, bar, trung tâm thể dục thẩm mỹ, vũ trường, siêu thị, bệnh viện... cũng đã và đang được phía VCPMC đưa ra để triển khai. Trong cuộc trao đổi cùng chúng tôi, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả liên hệ thêm, thực tế một số quốc gia đã tiến hành thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi ở khách sạn theo nhiều hình thức. Ví dụ, Hàn Quốc thu 20.000 won/tháng đối với cơ sở dưới 50 phòng, 350.000 won/tháng với cơ sở trên 500 phòng. Nhật Bản tính phí tác quyền tương đương khoảng 1% doanh thu hoặc 100 yên/tivi/tháng, còn Tây Ban Nha áp dụng theo hạng sao, Anh thu trọn gói… Ông Bùi Nguyên Hùng nói: “Thu bao nhiêu tiền, cách tính toán thế nào… đều là thỏa thuận dân sự, chỉ khi hai bên khúc mắc, cần tới cơ quan quản lý nhà nước, Cục mới vào cuộc. Trong trường hợp tiếp tục không thỏa thuận được, hai bên kiện ra tòa theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc xây dựng biểu giá phải phù hợp với thực tiễn đất nước, điều kiện kinh tế xã hội, không phải cứ áp dụng cứng nhắc những ví dụ thực tế từ nước ngoài vào Việt Nam đã là hợp lý”.

Bà Đỗ Hồng Xoan - Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam nói: “Tôi cho rằng, việc VCPMC thu tiền quyền tác giả âm nhạc tại các phòng nghỉ khách sạn có tivi với mức phí 25.000 đồng/tivi từ tháng 10/2017 là hết sức vô lý và tùy tiện. Việc thu tiền bản quyền tác giả tại các phòng lưu trú của khách sạn chỉ được thực hiện khi VCPMC đã xác định chính xác tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả đã có ủy quyền cho trung tâm. Bên cạnh đó, VCPMC cũng cần xây dựng được định mức quyền tác giả, tác phẩm được khai thác, sử dụng và tiến hành đàm phán với từng khách sạn. Hiện tại, hầu hết các khách sạn đều ký hợp đồng dịch vụ trọn gói đối với đài truyền hình hay công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền hình để cung cấp các chương trình phim truyện, ca nhạc, tin tức...”.

Thành Nam