0908.326.779 - 0906.362.707
 

Siết chặt quản lý thị trường thực phẩm chức năng

11/05/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Siết chặt quản lý thị trường thực phẩm chức năng
Thời gian qua, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) phát triển khá mạnh, với hàng nghìn loại mẫu mã sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, do nguồn lợi nhuận đem lại quá lớn, trong khi công tác quản lý TPCN còn nhiều bất cập, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh TPCN thực hiện quảng cáo về sản phẩm sai sự thật, không chỉ gây mất lòng tin, mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Chưa bao giờ việc giao dịch, mua bán các loại TPCN lại dễ dàng như hiện nay. Người tiêu dùng có thể tìm được đủ loại TPCN thông qua các hiệu thuốc, siêu thị, chợ truyền thống, mạng xã hội, hoặc lực lượng hội viên của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp… Theo khảo sát của phóng viên, có tới 90% số nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội bán các loại TPCN dưới dạng viên, nước hoặc bột và được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ chức năng não, mắt, gan, xương khớp... Giá bán các loại TPCN dao động từ vài chục nghìn đồng đến hàng triệu đồng/hộp/chai/lọ. Một nhân viên cửa hàng thuốc trên phố Phủ Doãn (Hà Nội) cho biết, ngày càng có nhiều người đến hỏi mua TPCN. Phần lớn nghe theo lời quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội hoặc được nhân viên y tế, người quen giới thiệu sử dụng. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nhiều doanh nghiệp đua nhau sản xuất, phân phối TPCN. Tuy nhiên, qua các cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, tình trạng sản xuất TPCN giả (giả về thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ) đang diễn biến phức tạp. Nhiều nhà sản xuất, kinh doanh TPCN thực hiện quảng cáo về sản phẩm sai sự thật, cường điệu công dụng của sản phẩm.

Đọc trên một trang mạng xã hội có bán sản phẩm vi-ta-min, được quảng cáo là hàng xách tay Mỹ với rất nhiều tác dụng cho sức khỏe như: Thanh lọc cơ thể, ổn định cân nặng, phòng, chống loãng xương, phòng, chống bệnh tim mạch, ngăn chặn sự hình thành của xơ vữa động mạch, cải thiện chất lượng cuộc sống… Chị Trần Minh Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đặt mua hai hộp với giá chín trăm nghìn đồng/hộp. Tuy nhiên, sau khi sử dụng một thời gian, chị Hà thấy sức khỏe không cải thiện và TPCN cũng không có những tác dụng như quảng cáo. Chị Hà cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi thấy sản phẩm này được rao bán rất nhiều trên mạng, nhưng mỗi trang lại quảng cáo khác nhau, giá bán cũng khác nhau. Thậm chí có cả thông tin sản phẩm này là của một công ty bán hàng đa cấp không đáng tin cậy, cho nên tôi đã phải dừng không tiếp tục sử dụng nữa”. Không chỉ chị Hà, hiện nay rất nhiều người, khi cảm thấy cơ thể mỏi mệt thậm chí bị ốm, không cần đến cơ sở khám, chữa bệnh, mà tự mua TPCN để điều trị tại nhà trong khi TPCN vốn không có tác dụng điều trị mà chỉ hỗ trợ điều trị bệnh.

Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vì lợi nhuận, cạnh tranh không bình đẳng, một số tổ chức, cá nhân đã quảng cáo quá mức hoặc sai sự thật về tác dụng của sản phẩm, chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung vẫn tự in các tờ rơi, tờ gấp để quảng cáo... Ngoài ra, do người tiêu dùng tự ý sử dụng, thậm chí các loại TPCN đã vô tình tiếp tay cho tình trạng làm ăn bất chính của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cách đây 10 năm, cả nước chỉ có 13 đơn vị sản xuất, nhập khẩu TPCN, đến nay, đã có gần 4.000 đơn vị với hơn 20 nghìn sản phẩm đã công bố và được phép lưu hành.

Trong năm 2017, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt 48 cơ sở vi phạm, tạm dừng lưu thông và tiêu hủy 82 lô sản phẩm, chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an điều tra sáu doanh nghiệp có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả. Mới đây nhất là vụ việc liên quan tới sản phẩm “Vinaca ung thư Co3.2” của Công ty TNHH Vinaca được phản ánh làm từ bột than tre, Bộ Y tế đã vào cuộc và xác định đây là sản phẩm TPCN giả. Trên nhãn sản phẩm có ghi hỗ trợ điều trị ung thư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe và hoang mang cho người dân...

Thực tế cho thấy, tình trạng làm ăn bất chính của nhiều cơ sở sản xuất TPCN đã ở mức đáng báo động, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Để tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý, phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, nhất là TPCN, cùng với việc xây dựng những cơ sở pháp lý về quy trình, quy chuẩn cho TPCN, các cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý và xử phạt mạnh tay hơn nữa với các đối tượng vi phạm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh TPCN; giám sát chặt chẽ các hội thảo giới thiệu TPCN theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu TPCN như thuốc chữa bệnh. Có biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm một cách toàn diện từ việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu ban đầu, đến việc tuân thủ điều kiện bảo quản trong quá trình lưu thông phân phối, người dân được tiếp cận những sản phẩm bảo vệ sức khỏe bảo đảm an toàn và hiệu quả.

Đã đến lúc chúng ta cần nhanh chóng xây dựng quy chế riêng về quản lý TPCN, tạo cơ sở pháp lý để loại trừ sự “nhập nhèm” của nhà sản xuất, kinh doanh TPCN. Không thể để tiếp diễn mãi tình trạng bát nháo, “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay và phải tiệm cận một nền sản xuất TPCN theo hướng thực hành sản phẩm tốt (GMP) trong tương lai gần.

NGUYỄN THANH PHONG

Cục trưởng An toàn thực phẩm - Bộ Y tế

QUANG MINH