0908.326.779 - 0906.362.707
 

Sản xuất nông sản nhỏ lẻ: Khó kiểm soát chất lượng

12/03/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Sản xuất nông sản nhỏ lẻ: Khó kiểm soát chất lượng
Hiện nay, lượng lớn thực phẩm tiêu thụ trên thị trường có nguồn gốc từ cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, chính quyền cơ sở thiếu cán bộ chuyên môn khiến công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp càng khó khăn hơn...
Toàn TP Hà Nội có khoảng 20.000 cơ sở sản xuất nông sản, nhưng đều là nhỏ lẻ, phân tán, thường xuyên biến động, gây khó khăn cho công tác quản lý. Theo Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27-12-2014 của Bộ NN&PTNT về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, chính quyền địa phương phải yêu cầu các hộ sản xuất nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất an toàn, kiểm soát đầu vào và đầu ra sản phẩm, nhưng việc này mới chỉ dừng ở việc tuyên truyền, nhắc nhở. Nguyên nhân do cấp xã thiếu cán bộ chuyên môn để kiểm tra, giám sát, thậm chí chưa thống kê đầy đủ hộ gia đình tham gia sản xuất. Chính quyền địa phương cũng lúng túng khi xử lý cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không có giấy phép đang hoạt động, dẫn tới tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất cấm trà trộn trên thị trường.

Nói về những khó khăn tại cơ sở, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hưng cho biết: Qua kiểm tra, hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn huyện đều nhỏ lẻ, thủ tục hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ, nhất là giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, hợp đồng, hóa đơn mua nguyên liệu để sản xuất kinh doanh. Qua kiểm tra, việc xử lý mới dừng ở việc nhắc nhở, xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục. Tuy nhiên, có cơ sở chấp hành, còn lại vẫn chây ỳ, dẫn tới chưa giải quyết triệt để vi phạm. Ông Phùng Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì cho biết: Hiện chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc yêu cầu hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặt khác, chính quyền cấp xã thiếu cán bộ chuyên môn làm về an toàn thực phẩm nên không thể quản lý được cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn. Việc kiểm soát người dân không được sử dụng kháng sinh, chất thải chăn nuôi để nuôi trồng thủy sản cũng gặp vô vàn khó khăn.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng đề xuất: Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với quận, huyện, thị xã tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ liên kết hình thành chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm có xác nhận của các ngành chức năng. UBND quận, huyện, thị xã phải yêu cầu xã, phường, thị trấn định kỳ kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn theo đúng quy định; trong công tác thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đối với những đơn vị không đủ điều kiện cần tạm dừng hoạt động để khắc phục.

Theo Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ: Để từng bước đưa hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ đi vào hoạt động nề nếp, các sở, ngành cần tham mưu thành phố tiếp tục tăng cường quản lý, củng cố, hỗ trợ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của hợp tác xã nông nghiệp. Qua đó, góp phần hướng dẫn, giúp đỡ hộ nông dân trong sản xuất theo hướng an toàn đáp ứng về chất lượng. Còn chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý đối với hộ sản xuất nhỏ lẻ, nhất là cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế rau, củ, quả không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ngọc Quỳnh