0908.326.779 - 0906.362.707
 

Sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Có cần giấy phép con

29/08/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Có cần giấy phép con
Theo quy định của ngành Y tế, khi đưa sản phẩm thực phẩm ra thị trường, doanh nghiệp phải có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Trong khi các doanh nghiệp cho rằng đây thực chất là “giấy phép con”, gây tốn kém thời gian, chi phí thì Bộ Y tế cho rằng trong điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, quy định này là cần thiết
Gánh nặng “giấy phép con”

Tại buổi tọa đàm “Giấy phép con cần bỏ trong kinh doanh thực phẩm” vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, Ba Huân nuôi gà theo quy trình sản xuất sạch từ trang trại đến bàn ăn, có đầy đủ chứng nhận ISO, HACCP…, sản phẩm thịt gà đã được công bố tên thương mại và cấp phép lưu hành. Tuy nhiên, cũng sản phẩm thịt gà này khi làm đông lạnh để đưa vào siêu thị, bán về các thị trường tỉnh thì phải tiếp tục làm thủ tục công bố hợp quy và giấy xác nhận phù hợp các quy định an toàn thực phẩm. “Con gà nuôi 45 ngày mà chờ cấp phép này đã hết 30 ngày”, bà Huân cho biết.
 

 

Dây chuyền sản xuất thực phẩm tại Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan).

Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng cho biết, các thủ tục, quy định liên quan đến an toàn thực phẩm rất nhiều, doanh nghiệp phải “đi lên đi xuống” nhiều lần thì mới đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, “giấy phép con” kéo theo sự trì trệ. Bên cạnh quy định công bố hợp quy trên còn có những thủ tục không cần thiết khác như quy định đăng ký lại sản phẩm, theo đó 5 năm phải làm lại giấy phép và công bố một lần. Theo bà Chi, nếu doanh nghiệp trong quá trình hoạt động không có thay đổi gì thì chỉ cần gia hạn chứ không cần đăng ký mới. Chưa kể quy định kiểm nghiệm định kỳ, theo đó mỗi 6 tháng, hoặc 1 năm đối với doanh nghiệp có hệ thống quản lý tiên tiến như ISO, HACCP thì doanh nghiệp phải gửi mẫu đi các phòng kiểm nghiệm để kiểm tra các chỉ tiêu sản phẩm đã công bố. Tuy nhiên, do doanh nghiệp tự lấy mẫu, tự kiểm nghiệm nên rất hình thức, kết quả mẫu không gắn với sản xuất thực tế, gây lãng phí và không làm cho thực phẩm tốt hơn.

Cần đơn giản hóa và rút ngắn thời gian

Thủ tục cấp giấy tiếp nhận công bố hợp quy và giấy xác nhận phù hợp các quy định an toàn thực phẩm xuất phát từ Nghị định 38/2012/NĐ-CP (Nghị định 38) hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, doanh nghiệp tự công bố sản phẩm của mình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tự chịu trách nhiệm về việc công bố đó.

Theo bà Lý Kim Chi, trong suốt thời gian thực hiện Nghị định 38 đã nảy sinh hàng loạt bất cập, vì vậy đề nghị bãi bỏ thủ tục công bố này để “cởi trói” cho doanh nghiệp. Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam đang kém sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam từ gói mì đến cây xúc xích đều rẻ hơn doanh nghiệp trong nước sản xuất. Thủ tục hành chính phải thực hiện quá nhiều, khiến doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ vừa bị tăng chi phí cạnh tranh vừa không còn thời gian để sản xuất, bán hàng. Các doanh nghiệp cũng cho rằng một số quy định tại Nghị định 38 trái với Luật An toàn thực phẩm và làm khó các doanh nghiệp sản xuất.

Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong bối cảnh an toàn thực phẩm hiện nay diễn biến phức tạp, những thông tư, nghị định được ban hành nhằm kiểm soát vấn đề này một cách chặt chẽ hơn. Mỗi nước đều có cách quản lý an toàn thực phẩm khác nhau, nhưng cấp giấy phép cho thực phẩm lưu hành là cách mà các nước trong khu vực đều áp dụng. Các nước tiên tiến không đăng ký cho sản phẩm cuối cùng nhưng từng khâu sản xuất đều được cấp phép, kiểm tra ngặt nghèo. Bà Nga cho rằng, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế cũng như nguồn lực mà các nước áp dụng các hình thức khác nhau. Việt Nam không đủ nguồn lực để đi lấy mẫu xét nghiệm, kiểm soát từng khâu như các nước tiên tiến, vì vậy Nghị định 38 quy định doanh nghiệp tự công bố hợp quy là giống như các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… và phù hợp với điều kiện nước ta hiện tại.

Với một số ý kiến cho rằng Nghị định 38 trái Luật An toàn thực phẩm, bà Nga nhấn mạnh, trong luật này có quy định hàng hóa nhóm 2 có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thì phải quản lý đặc biệt hơn. Với thực phẩm thì cần thiết phải áp dụng hình thức công bố sản phẩm mới đưa ra thị trường. Do đó, việc thực hiện công bố hợp quy và công bố phù hợp các quy định an toàn thực phẩm là cần thiết, nhưng phải được đơn giản hóa và rút ngắn thời gian. Bộ Y tế ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp và sẽ yêu cầu các đơn vị thực thi là Viện An toàn thực phẩm và 63 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm không được “vẽ” gì thêm ngoài quy định
Đặng Loan