0908.326.779 - 0906.362.707
 

Quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công: Cơ sở lúng túng, người dân loay hoay

15/11/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công: Cơ sở lúng túng, người dân loay hoay
Từ ngày 1-11-2017, Nghị định 105/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu có hiệu lực, trong đó có những quy định về giấy phép sản xuất kinh doanh, tem nhãn… Tuy nhiên, hiện các làng nghề nấu rượu thủ công vẫn ít quan tâm tới vấn đề này, bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, trong khi đó cán bộ cơ sở thì lúng túng trong việc hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký sản xuất.
Người dân loay hoay

Khảo sát thực tế ở các làng nghề nấu rượu thủ công cho thấy, dường như người dân vẫn chưa tiếp cận với những yêu cầu mới của pháp luật để sản xuất rượu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và có tem, nhãn mác. Bà Nguyễn Thị Tươi ở xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai) cho biết: Đầu năm 2017, do có nhiều vụ ngộ độc về rượu thủ công nên người tiêu dùng hạn chế đặt hàng, khiến rượu sản xuất ở xã tiêu thụ chậm hơn so với mọi năm. Các hộ nấu rượu ở xã đều bảo đảm chất lượng, chưa từng xảy ra ngộ độc. Thời gian tới, nếu xã đăng ký thương hiệu làng nghề, các hộ nấu rượu sẽ đăng ký nhãn mác. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn ngại đi đăng ký giấy phép sản xuất kinh doanh vì không biết thủ tục thế nào, hơn nữa, khách hàng cũng không yêu cầu...

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai Lã Văn Dũng lý giải: "Nghề nấu rượu ở xã Thanh Mai có từ lâu đời. Vào lúc cao điểm có khoảng 300-400 hộ nấu rượu, nhưng hiện do thu nhập từ nghề bấp bênh nên chỉ còn trên 20 hộ nấu thường xuyên. Do sản xuất nhỏ lẻ nên các hộ chưa quan tâm tới việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Thời gian qua, mặc dù huyện Thanh Oai đã phối hợp với xã mở lớp tập huấn về sản xuất an toàn cho các hộ nấu rượu trên địa bàn, nhưng do lãi suất từ nấu rượu thủ công thấp nên đến nay, chưa có hộ nào đăng ký cấp giấy phép sản xuất kinh doanh".

Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Toàn xã có hơn 300 hộ nấu rượu. Từ khi xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu trên địa bàn thành phố, xã đã mở các lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm cho các hộ dân. Đến nay, hầu hết các hộ đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc đăng ký sản xuất kinh doanh, nhãn mác, thương hiệu... các hộ gặp khó khăn do thủ tục phức tạp. Theo quy định, để được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, các hộ phải có bản sao giấy tiếp nhận công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bản sao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; bản liệt kê tên hàng hóa rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa rượu mà tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc dự kiến sản xuất. Mặc dù yêu cầu này là cần thiết để quản lý chất lượng, nhưng đối với các hộ sản xuất thủ công với lượng sản phẩm nhỏ thì các thủ tục là vấn đề khó khăn...

Cần có giải pháp cụ thể

Để Nghị định 105/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu đi vào thực tiễn, cần có giải pháp cụ thể hơn. Trước hết, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người sản xuất, kinh doanh rượu chấp hành các quy định của pháp luật. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra về chất lượng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi, trên địa bàn huyện Phú Xuyên có hơn 600 hộ nấu rượu thủ công, nhưng mới chỉ có 30 hộ có giấy đăng ký sản xuất kinh doanh. Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định trong sản xuất kinh doanh, tác hại của việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc... Đồng thời, hướng dẫn các hộ quy hoạch, xây dựng khu sản xuất rượu cách xa khu chăn nuôi, đăng ký sản xuất, tem nhãn, xây dựng thương hiệu... Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Hiện xã đang thống kê, rà soát quy hoạch các hộ sản xuất rượu để thành lập Hiệp hội Sản xuất và Chế biến rượu Hồng Hà. Từ đó, sẽ hình thành sản xuất tập trung, thuận lợi cho việc đăng ký thương hiệu làng nghề và gắn nhãn mác sản phẩm nhằm bảo đảm rượu có nguồn gốc xuất xứ...

Còn theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc, để thực hiện hiệu quả Nghị định 105/NĐ- CP của Chính phủ, chính quyền địa phương cần thường xuyên tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất, lưu thông sản phẩm rượu thủ công ở làng nghề. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc yêu cầu các tổ chức, cá nhân ký cam kết không sản xuất, kinh doanh, buôn bán rượu không rõ nguồn gốc... Các xã, thị trấn cần chủ động phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý đối với những hành vi sản xuất kinh doanh rượu không có giấy phép, không tem nhãn, không nguồn gốc xuất xứ, không công bố tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hợp quy... Có như vậy, việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công ở các làng nghề mới được thực hiện nghiêm theo quy định
Ngọc Quỳnh