0908.326.779 - 0906.362.707
 

Quản lý an toàn thực phẩm trường học- Bài 2: Cùng giám sát bữa ăn học đường

08/04/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Quản lý an toàn thực phẩm trường học- Bài 2: Cùng giám sát bữa ăn học đường
Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự giám sát sát sao hơn nữa của các cơ sở giáo dục cũng như phụ huynh học sinh để kịp thời phát hiện, xử lý.

Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 2 triệu học sinh, trong đó hơn 1.600 trên tổng số khoảng 2.700 trường học tổ chức ăn bán trú.

Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự giám sát sát sao hơn nữa của các cơ sở giáo dục cũng như phụ huynh học sinh để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

* Phụ huynh cùng giám sát

Nhìn chung, nhiều quận, huyện, thị xã và cơ sở giáo dục ở Hà Nội đã thực hiện đầy đủ quy trình quản lý, giám sát thực phẩm nhập vào các trường.

Văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về đảm bảo an toàn thực phẩm cho bữa ăn bán trú của học sinh thường xuyên được gửi về các Phòng Giáo dục và Đào tạo, được triển khai xuống từng cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Bà Vũ Thị Kim Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non chất lượng cao 20-10 (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, bên cạnh xây dựng thực đơn theo mùa cho trẻ sao cho vừa ngon miệng vừa đảm bảo dinh dưỡng, việc kiểm soát chất lượng nguồn thực phẩm đầu vào luôn được Ban giám hiệu nhà trường thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.

Nhà trường đã phối hợp cùng phụ huynh trong việc giám sát giao nhận thực phẩm hàng ngày cả về khối lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nhân viên nhà bếp, ký cam kết với công ty cung ứng thực phẩm uy tín, đầy đủ tư cách pháp nhân, có cam kết về chất lượng sản phẩm khi đưa vào trường học.

Trường Mầm non chất lượng cao 20-10 cũng thực hiện nghiêm việc công khai thực đơn, tài chính hằng ngày, chú trọng cải tiến bữa ăn, xây dựng thực đơn đảm bảo dinh dưỡng theo từng độ tuổi của trẻ.

Tham gia trong Ban phụ huynh khối lớp 1, Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chị Vũ Ánh Nguyệt thường xuyên cùng phụ huynh các lớp khác đến trường vào sáng sớm để phối hợp với nhân viên nhà trường kiểm tra chất lượng thực phẩm do nhà cung cấp chuyển đến.

"Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường học trong thời gian gần đây khiến phụ huynh cảm thấy bất an. Nhà trường luôn tạo điều kiện để phụ huynh cùng giám sát khi nhập thực phẩm cũng như kiểm tra đột xuất vào giờ ăn của học sinh. Nhờ đó, phụ huynh có thể biết được hôm nay con ăn món gì và định lượng bữa ăn có đầy đủ hay không." - chị Vũ Ánh Nguyệt chia sẻ.

* Giám sát thật sẽ cho chất lượng thật

Ngay trong những ngày đầu tháng 4/2019, tại Hà Nội đã xảy ra 2 vụ việc liên quan đến vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học. Tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội), theo phản ánh của các phụ huynh đã có hàng chục học sinh bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa sau bữa ăn trưa.

Quá trình xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, quy trình tiếp nhận thực phẩm được nhà trường thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng theo quy chế. Các phụ huynh cũng đã đến kiểm tra tại đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường.

Mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm mẫu lưu thức ăn, song câu hỏi đặt ra là tại sao quy trình đầy đủ, thực hiện đúng, đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín mà tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn xảy ra?

Hay vụ việc vừa xảy ra tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội), một số phụ huynh cùng tham gia giám sát thực phẩm đã phát hiện 35kg thịt gà đông lạnh bốc mùi ôi thiu được nhà cung cấp giao cho nhà trường.

Qua tìm hiểu cho thấy, đơn vị cung cấp thực phẩm cho nhà trường đã có uy tín lâu năm và được nhiều trường học ở Hà Nội lựa chọn.

Riêng thịt gà được Công ty này nhập từ một công ty có dây chuyền giết mổ hiện đại, đúng tiêu chuẩn.

Điều này cho thấy việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường ở nhiều nơi vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan.

Liệu đơn vị cung cấp thực phẩm có cung cấp đúng thực phẩm đảm bảo an toàn, đạt tiêu chuẩn như cam kết với nhà trường và gia đình học sinh hay không thì phụ huynh không thể biết được.

Nhiều phụ huynh khi được hỏi thường phàn nàn rằng, không phải trường nào cũng cho phụ huynh vào kiểm tra bữa ăn của học sinh. Nhiều khi vì những lý do cá nhân, phụ huynh mới được vào trường vào giờ ăn của các con và vô tình biết được hôm nay con mình ăn gì.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác giám sát nguồn thực phẩm đầu vào, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Sở đã yêu cầu các đơn vị, trường học phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, đặc biệt là trong khâu giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp.

“Yêu cầu được giám sát thực phẩm, bếp ăn trường học của phụ huynh là hoàn toàn chính đáng. Các trường có nhiệm vụ phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh để mọi thông tin được công khai, minh bạch. Phụ huynh cũng cần chủ động yêu cầu tham gia hoạt động này để kịp thời phát hiện những nghi ngờ liên quan đến thực phẩm trong trường học. Tất cả phải cùng vào cuộc để bữa ăn của học sinh được đảm bảo cả về dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Phạm Xuân Tiến nói.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, bên cạnh trách nhiệm chính của nhà trường mà Hiệu trưởng là người đứng đầu thì các Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như cấp chính quyền cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý, giám sát.

Đặc biệt, các nhà trường cần tạo điều kiện tối đa để phát huy vai trò giám sát của phụ huynh. Có như vậy bữa ăn của trẻ mới được đảm bảo./

Nguyễn Cúc - Tuyết Mai