0908.326.779 - 0906.362.707
 

Phát triển chợ đầu mối nông sản: Doanh nghiệp chưa mặn mà

05/06/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Phát triển chợ đầu mối nông sản: Doanh nghiệp chưa mặn mà
Chợ đầu mối nông sản không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nguồn cung, mà còn bảo đảm chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm cho 10 triệu dân của Hà Nội. Dù vậy, để phát triển có hiệu quả loại hình kinh doanh này lại là bài toán không dễ
Chưa đáp ứng 10% tiêu dùng 
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có 2 chợ đầu mối kinh doanh tổng hợp, trong đó có mặt hàng nông sản, đó là chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai). Bên cạnh hai chợ đầu mối kể trên, Hà Nội còn có một chợ hoạt động có tính chất đầu mối cung cấp nông sản là chợ Long Biên.
Việc phát triển các chợ đầu mối nông sản nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm có chất lượng và an toàn cho sức khỏe của người dân Thủ đô. TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để huy động sự tham gia của các DN trong việc thực hiện mục tiêu trên. 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu

Nhìn chung, hoạt động của các chợ đầu mối và chợ có tính chất đầu mối chưa đáp ứng nhu cầu thực phẩm tiêu dùng của TP. Cụ thể, hai chợ đầu mối Minh Khai, chợ phía Nam và chợ Long Biên luân chuyển khoảng 700 tấn nông sản/ngày. Con số này chỉ chiếm khoảng 10% tổng khối lượng nông lâm thủy sản tiêu thụ của toàn TP là 7.000 tấn/ngày. Số lượng nông sản còn lại được tiêu thụ qua các chợ nông sản kiểu cũ, chợ dân sinh, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích… 
Không chỉ dừng ở việc đáp ứng ở mức độ rất hạn chế tổng khối lượng nông sản cho TP, các chợ đầu mối chủ yếu đảm nhận việc tập trung mối hàng từ các tỉnh, TP phân phối cho thị trường Hà Nội và một số địa phương lân cận, chưa đảm nhận chức năng xuất khẩu. Do quy mô nhỏ nên các chợ đầu mối cũng chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường. Đáng chú ý, phần lớn hàng hóa tại các chợ đầu mối chưa thể truy xuất được nguồn gốc khi cần thiết. Điều này dẫn đến những lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thiếu cơ chế thu hút doanh nghiệp 
Để phát triển hệ thống chợ đầu mối, năm 2012, UBND TP đã ban hành quyết định về việc phê duyệt mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, đến năm 2030, toàn TP sẽ có tổng cộng 8 chợ đầu mối. Cụ thể, ngoài hai chợ đầu mối hiện có tại quận Bắc Từ Liêm và Hoàng Mai, sẽ phát triển thêm 6 chợ đầu mối tại các huyện: Gia Lâm, Quốc Oai, Mê Linh, Phú Xuyên, Ba Vì, Đan Phượng. Dù vậy, mục tiêu trên đang gặp khá nhiều rào cản.
Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, thì hệ thống các kênh phân phối nông sản thực phẩm cũng đã thay đổi sâu sắc. Siêu thị, cửa hàng tiện ích đang dần thay thế chợ truyền thống. Đây cũng là lý do khiến việc thu hút vốn xã hội hóa từ các tổ chức, DN rất khó. “Mặc dù hàng năm các chợ đầu mối đều được đưa vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của Hà Nội, nhưng số lượng DN quan tâm còn rất hạn chế” – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nêu hiện trạng.
Bên cạnh việc khó thu hút nguồn vốn xã hội hóa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, không dễ để các địa phương có thể bố trí được quỹ đất đủ lớn cho các DN đầu tư phát triển chợ đầu mối. Do đó, để tổ chức triển khai được chợ đầu mối trong quy hoạch mạng lưới chợ, Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, vốn vay phát triển dành cho các DN…
Một số ý kiến chuyên gia, nhà quản lý cũng cho rằng, việc đầu tư phát triển chợ đầu mối hiện nay cần đảm bảo theo đúng quy hoạch, phát triển hài hòa giữa các loại hình thương mại, nhằm tránh “giẫm chân vào nhau”. Để thực hiện được nhiệm vụ này, vai trò dẫn dắt của Nhà nước là hết sức quan trọng. Theo đó, TP cần xây dựng một mô hình quản trị phù hợp, đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành các chợ đầu mối trong tương lai.