0908.326.779 - 0906.362.707
 

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng

29/04/2022    4.6/5 trong 5 lượt 
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng
Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 có chủ đề Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản, thực phẩm trong tình hình mới.

Các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đang đẩy mạnh thanh, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh. Qua đó phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những vi phạm, đảm bảo an toàn tính mạng người tiêu dùng.

* Còn hạn chế trong quản lý thực phẩm ngành Nông nghiệp

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tỉnh Đồng Nai đang duy trì diện tích cây ăn trái hơn 70,6 ngàn ha, diện tích cây công nghiệp hơn 98,5 ngàn ha, diện tích cây hằng năm hơn 51,1 ngàn ha. Về lĩnh vực chăn nuôi, tổng đàn heo hiện có của tỉnh là hơn 2,5 triệu con, đàn gà 25 triệu con. Tổng diện tích nuôi thủy sản ước hơn 8,8 ngàn ha.

Dựa trên lợi thế, tiềm năng lớn về vùng nguyên liệu, ngành sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh cũng phát triển với số lượng và chất lượng ngày càng tăng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế. Đó là việc kết nối các công đoạn của chuỗi (giữa sản xuất với thu mua, thu gom, kinh doanh) gặp khó khăn hoặc có kết nối nhưng thiếu bền vững. Nhận thức của người sản xuất trong việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt còn hạn chế. Các tổ chức HTX và tổ hợp tác chưa xây dựng phương án sản xuất dẫn đến việc tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gặp nhiều khó khăn, nhất là với các mô hình chuỗi. Vì vậy, số lượng thực phẩm an toàn sản xuất và cung ứng ra thị trường chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế.

Trong tháng 3 và đầu tháng 4-2022, 2 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tổ chức 993 lượt thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm trong tổng số hơn 15,4 ngàn cơ sở trong tỉnh. Kết quả, có 946 cơ sở đạt các yêu cầu đề ra, 47 cơ sở vi phạm.

Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn xảy ra tình trạng sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không đúng quy định, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Một số cơ sở chế biến, nhất là đối với các cơ sở quy mô nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Việc xử lý các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm của một số địa phương chưa triệt để nên một số hành vi vi phạm vẫn lặp lại qua nhiều lần kiểm tra.

Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại Công ty TNHH XNK Nông sản H.Y. (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom). Mặc dù đã được cán bộ Phòng Kinh tế H.Trảng Bom thông báo lịch kiểm tra từ trước nhưng tại thời điểm kiểm tra chủ cơ sở không có mặt. Nhân viên công ty cho biết, do lãnh đạo doanh nghiệp bận đi công tác không về kịp. Công ty cũng chưa xuất trình được hồ sơ, tài liệu liên quan đến điều kiện hoạt động sản xuất, sơ chế, kinh doanh sản phẩm chuối tươi.

Sau khi trao đổi, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh giao Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa H.Trảng Bom trực tiếp kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo UBND xã Thanh Bình tiến hành rà soát, cập nhật danh sách các cơ sở sơ chế, đóng gói sản phẩm chuối tươi; tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền đến các cơ sở biết các quy định, thủ tục hiện hành về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với loại hình hoạt động này. Sau đó, báo cáo kết quả triển khai về Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của tỉnh và Ban Chỉ đạo bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh trước ngày 10-5-2022.

Chế biến thực phẩm tại một quán cơm tấm trên địa bàn H.Trảng Bom
Chế biến thực phẩm tại một quán cơm tấm trên địa bàn H.Trảng Bom

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh yêu cầu Công ty TNHH XNK Nông sản H.Y. cử đại diện có tư cách pháp nhân chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ pháp lý, hồ sơ về điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và trực tiếp làm việc với Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa H.Trảng Bom.

* Người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn thực phẩm

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 15 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đa số là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng trong năm 2021, toàn tỉnh vẫn xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm làm 272 người mắc, trong đó có 4 người tử vong. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 5 người mắc.

Nguyên nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm nói trên là do vi sinh vật (2 vụ), ngộ độc do Cyanua (1 vụ) và 2 vụ do ngộ độc rượu. Các cơ quan chuyên môn đã chuyển cho cơ quan công an điều tra 3 vụ, xử lý vi phạm hành chính 2 vụ.

Thực tế kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh cho thấy, tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn còn khá phổ biến. Chỉ tính riêng trong năm 2021, trong số hơn 14 ngàn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra, hậu kiểm, có hơn 2,4 ngàn cơ sở vi phạm, 458 cơ sở bị xử phạt với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy hơn 1,5 tấn thịt heo, 2,7 tấn chim cút, hơn 1,5 tấn sản phẩm động vật không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và hơn 5,4 ngàn sản phẩm các loại.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài, nguồn cung cấp thực phẩm hiện nay rất đa dạng nên người tiêu dùng rất dễ tiếp cận thực phẩm, trong đó có thức ăn đường phố. Để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho bản thân, gia đình, người tiêu dùng cần có thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng…

Đồng quan điểm này, BS Nguyễn Đình Hùng, Trưởng phòng Y tế H.Long Thành cho hay, hầu hết các cơ sở thức ăn đường phố trên địa bàn huyện ở quy mô nhỏ lẻ, không cố định, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho chế biến, bảo quản thực phẩm còn thiếu, chưa được trang bị đúng mức. Người kinh doanh thức ăn đường phố đa số khó khăn, việc trang bị kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, nguồn nguyên liệu không chọn lựa kỹ, nơi bán gần khu công cộng, dễ bị ô nhiễm dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Xác định mục tiêu can thiệp vào thức ăn đường phố là yêu cầu cơ bản trong việc hạn chế nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều năm qua, các đơn vị chức năng của H.Long Thành đã làm tốt công tác quản lý đảm bảo an toàn thức ăn đường phố. Nhờ đó, hơn 5 năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào. Huyện đang tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm liên quan đến phòng, chống Covid-19 tại các doanh nghiệp, đơn vị… có tổ chức bếp ăn tập thể theo hình thức mua suất ăn sẵn hoặc thuê nấu nướng, cung cấp suất ăn tại chỗ hoặc nhập nguyên liệu thực phẩm của tổ chức, cá nhân trong và ngoại huyện.

Toàn tỉnh hiện có hơn 250 doanh nghiệp chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản do cấp tỉnh quản lý, đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm và các chứng nhận tiên tiến khác. Sở NN-PTNT đã xây dựng và triển khai được 45 chuỗi kiểm soát sản phẩm an toàn, 308 điểm bày bán sản phẩm an toàn giới thiệu đến người tiêu dùng các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh như: thịt heo, thịt gà, trứng, sản phẩm chế biến từ thịt, rau quả, nấm và các sản phẩm chế biến từ sữa.
Hạnh Dung - Minh Ngọc