0908.326.779 - 0906.362.707
 

Minh bạch trong khai thác tác quyền âm nhạc

07/05/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Minh bạch trong khai thác tác quyền âm nhạc
Ngày 12-4, đại diện gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên đã thông báo xin rút các tác phẩm âm nhạc của ông ra khỏi sự "bảo vệ" của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vì cho rằng quá trình khai thác của VCPMC bộc lộ nhiều hạn chế. Cùng với các sự việc ồn ào trước đó, một lần nữa giới chuyên môn và công chúng lại tiếp tục đặt câu hỏi về sự minh bạch trong khai thác tác quyền âm nhạc.

Cách thu tác quyền không theo kịp xu thế?

Trao đổi với báo giới, nghệ sĩ Huyền Lâm (vợ cố nhạc sĩ An Thuyên) cho biết, từ trước đến nay, gia đình vẫn nhận tiền tác quyền từ VCPMC qua tài khoản ngân hàng, theo từng quý, với nhiều mức khác nhau. Trung bình mỗi quý, gia đình nhận 12-15 triệu đồng, lần cao nhất vào thời gian nhạc sĩ An Thuyên qua đời (khoảng 32 triệu đồng). Dù tiền tác quyền gia đình nhận được lúc "thăng" lúc "giáng" song điều thân nhân cố nhạc sĩ An Thuyên quan tâm nhất là các sáng tác của ông được sử dụng ra sao, cung cấp cho những đơn vị nào, những văn bản, số liệu cụ thể… thì phía VCPMC lại không cung cấp.

Nhạc sĩ An Hiếu (con trai cố nhạc sĩ An Thuyên) chia sẻ: "Tác quyền âm nhạc của hai cha con tôi được VCPMC khai thác khoảng hơn 10 năm nay. Tôi nghĩ một trong những bất cập lớn nhất của VCPMC là chỉ khai thác ở góc độ văn bản thông thường, qua các nhà hàng hoặc ca sĩ biểu diễn, liveshow sử dụng ca khúc đăng ký tác quyền và có báo cáo lại… trong khi sản phẩm âm nhạc đang được phát hành trên mạng thì trung tâm không cập nhật. Thí dụ, một ca khúc đang được quan tâm trên mạng luôn thu hút nhiều quảng cáo qua đó thu được nhiều khoản khác. Ngoài ra còn phí nhạc chuông, nhạc chờ, phát hành trên một số kênh như Youtube tại Việt Nam. Không thể trông chờ việc thu tiền tác quyền qua một số văn bản được. Như vậy là không bắt kịp xu thế", nhạc sĩ An Hiếu nhấn mạnh.

Trao đổi với chúng tôi, một người từng có nhiều năm công tác tại VCPMC nhận định: "Việc gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên có đơn xin rút tác quyền âm nhạc là quyền tự quyết riêng tư, nhưng nếu chỉ vì thế mà kết luận toàn bộ quá trình khai thác tác quyền của VCPMC thiếu minh bạch thì e chưa đầy đủ, chính xác. Ðầu tiên, phải công nhận rằng VCPMC gặp khó khăn về thiết bị, phương pháp đo đếm tần suất sử dụng các ca khúc, hiện họ đã tìm cách kết nối với các tổ chức bên ngoài để thuê, mua thiết bị mà chưa thực hiện được. Tuy nhiên, trong nhiều năm hoạt động, trung tâm đã mang lại được những hiệu quả nhất định, bảo đảm cho các tác giả có khoản thu tốt nhất trong điều kiện có thể, tăng số tác giả đăng ký tác quyền ban đầu từ gần 300 người lên gần 4.000 người. Thậm chí, nhiều đơn vị sử dụng tác quyền âm nhạc, không tự giác đóng phí mà trung tâm vẫn phát hiện và ráo riết yêu cầu họ trả tác quyền cho tác giả".

Về việc VCPMC trả phí tác quyền mà không kèm thống kê rõ ràng, cựu thành viên này cho biết: "Nếu VCPMC in tất cả thống kê của gần 4.000 tác giả hẳn gây ra lãng phí nhất định; lãng phí ở đây chính là tiền của tác giả vì trung tâm không thể bỏ tiền túi ra. Trong quá trình hoạt động, nếu tác giả hoặc người được ủy quyền yêu cầu thì VCPMC sẽ gửi, đồng thời lưu toàn bộ thống kê, công khai trong báo cáo, có kiểm toán độc lập. Từ trước tới nay, tỷ lệ tác giả hoặc người được ủy quyền yêu cầu gửi thống kê là rất ít. Gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ban đầu tự quản lý tác quyền, sau đó cũng giao cho VCPMC. Nếu tự khai thác, có thể gia đình ông sẽ thu được mức phí cao hơn vì qua VCPMC thì tác giả phải đóng phí từ 12 đến 25% để trung tâm hoạt động". Trong lần trả lời báo chí sau việc gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên gửi đơn xin rút tác phẩm đang được khai thác bản quyền, nhạc sĩ Ðinh Trung Cẩn - Giám đốc VCPMC - cũng đồng tình với quan điểm này. Ông phân tích thêm, trong cơ cấu tổ chức của VCPMC, ngoài bộ phận chăm sóc và phát triển hội viên còn có bộ phận lưu trữ dữ liệu tác giả tác phẩm, cấp phép, kiểm toán và phân phối, đối ngoại, chi nhánh…

Không chỉ là thu phí

Theo báo cáo tổng kết hoạt động năm 2017 của VCPMC chi nhánh phía nam, tính đến 31-12-2017, tổng số thành viên VCPMC cả nước lên tới 3.749 tác giả. Cũng trong năm 2017, tổng số tiền bản quyền tác giả thu được (đã trừ VAT) là hơn 59 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016.

Cũng theo công bố của VCPMC, thời gian qua, có khoảng hơn 4.000 tác phẩm của hàng trăm nhạc sĩ đang bị một đơn vị phát hành âm nhạc xâm phạm tác quyền. Ðáng chú ý, giữa VCPMC và đơn vị nêu trên có sự khác nhau đáng kể về hình thức khai thác tác quyền. Trong khi VCPMC vận hành việc phân phối tác quyền chủ yếu dựa vào một số văn bản thì đơn vị này áp dụng công nghệ trong quản lý, phân phối. Như vậy, nếu trước đây chỉ có duy nhất VCPMC hoạt động bảo vệ tác quyền âm nhạc thì nay đã xuất hiện thêm một số đơn vị mới. Tuy các nhạc sĩ có nhiều cơ hội lựa chọn đơn vị khai thác tác quyền nhưng vấn đề minh bạch trong thu chi càng không dễ nắm bắt, quản lý bởi một đơn vị từng tuyên bố dùng công nghệ để đối soát chính xác đến từng lượt nghe, xem vẫn bị tố cáo xâm phạm tác quyền.

Việc thành lập, vận hành một trung tâm như VCPMC là nền móng quan trọng để thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc. Nhờ đó, nhiều nhạc sĩ nhận được quyền lợi khi tác phẩm của họ được khai thác vào mục đích thương mại, điều mà trước kia chưa từng có. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn nghiệp vụ, vẫn cần nâng cao, kiện toàn tổ chức này. Thời gian qua, ngoài những đóng góp, VCPMC cũng bộc lộ một số hạn chế. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn từng phát biểu trong một cuộc hội thảo về vấn đề tác quyền và đưa ra thí dụ cụ thể: Những tác phẩm âm nhạc "nhái", "đạo" của một số quốc gia như: Hàn Quốc, Thái-lan… vẫn được VCPMC trả tiền cao ngất ngưởng, không có sự giám định, kiểm tra chất lượng. Hoặc có những ca khúc tác giả cứ nộp thông tin bản thảo cho trung tâm là được trả tiền tác quyền dù không xác minh được tác phẩm ấy phát hành ra thị trường thế nào.

Thông thường, khi sáng tác các ca khúc với tư cách là một sản phẩm sáng tạo, tác giả thường ít quan tâm tới vấn đề tác quyền cho đến khi sản phẩm ấy có tiếng vang, được phổ biến rộng rãi, mang lại lợi ích về kinh tế. Sự dễ dãi này trở thành kẽ hở để những kẻ xâm phạm bản quyền lợi dụng. Vì vậy, trước khi tác quyền được bảo vệ bởi những đơn vị chuyên môn, bản thân người sáng tác cũng cần nâng cao nhận thức, thực hiện đúng các vấn đề liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ

MAI LỮ