0908.326.779 - 0906.362.707
 

Mất An toàn vệ sinh thực phẩm: Nguy cơ lớn nhất nằm ở đâu?

05/06/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Mất An toàn vệ sinh thực phẩm: Nguy cơ lớn nhất nằm ở đâu?
Theo PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, Đại biểu Quốc hội TP HCM, chống thực phẩm bẩn như cuộc chiến giữa kháng sinh với vi khuẩn bởi an toàn thực phẩm đã và đang trở thành một vấn đề sống còn cho sức khỏe cộng đồng và sự tồn vong của quốc gia, được cả Chính phủ và cử tri cả nước quan tâm.

Bà Lan khẳng định: An toàn vệ sinh thực phẩm luôn là vấn đề nóng với cử tri cả nước. Trong báo cáo chuyên đề tại Quốc hội lần này, thực trạng nhức nhối của vấn đề này vẫn được đưa ra đánh giá, phân tích để tìm giải pháp. Tuy vậy, thực tế chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng sản xuất thực phẩm sạch, bằng chứng là nước ta luôn dẫn đầu về xuất khẩu nông sản, đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của những thị trường khó tính nhất.

- Vậy bà có thể lý giải nguyên nhân tại sao lại người dân trong nước vẫn phải dùng thực phẩm bẩn?

Việc chia nhiệm vụ cho ba bộ ngành theo phương pháp cắt ngang trước đây (nuôi trồng của nông nghiệp & phát triển nông thôn, lưu thông của công thương và sử dụng của y tế) hay cắt dọc theo Luật an toàn thực phẩm 2010 (nông nghiệp & phát triển nông thôn quản lý 9 ngành hàng, công thương 5 ngành hàng và y tế 5 ngành hàng) đều bộc lộ nhược điểm trong việc phối hợp và trách nhiệm xử lý.

Tuy vậy, chúng ta vẫn đã đang và sẽ chống, chặn thực phẩm bẩn - đặc biệt từ nguồn - bằng cách kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, chất phụ gia độc hại và xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn... Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân và DN theo đánh giá của tôi là đang được đẩy mạnh, đồng thời với việc xây dựng, chấn chỉnh đội ngũ quản lý an toàn thực phẩm.

Tôi không chấp nhận quan điểm vì nghèo nên cái gì tốt ta ưu tiên xuất khẩu, xem nhẹ thị trường trong nước. Phải kiểm soát chất lượng thực phẩm nghiêm túc để bảo vệ sức khỏe dân mình như các nước đang làm để bảo vệ dân họ.

- Khi góp ý cho vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại báo cáo chuyên đề lần này, giải pháp của bà là gì?

Chúng ta đang mắc “căn bệnh” cái gì tốt thì xuất khẩu đi, còn không đủ “chuẩn” thì để lại nhà dùng. Khi đi khảo sát thực tế tại các chợ, tôi nhận thấy giá thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng trong nước có khi còn đắt hơn tại một số nước. Ngoài ra, Việt Nam đang nhập khẩu rất nhiều các loại nông sản, thực phẩm mà trong nước có thể sản xuất được, khiến người tiêu dùng thiếu sự tin tưởng hàng nông sản trong nước.

Thức ăn đường phố được nhiều du khách trải nghiệm nhưng quản lý về an toàn thực phẩm lại chưa thực sự được chú trọng

Bản thân Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản, nhưng người dân lại không yên tâm sử dụng nông sản của mình. Đây là câu hỏi rất nhức nhối và phải giải quyết bằng được thực trạng này. Vấn đề cấp bách bây giờ là phải giải quyết triệt để thực phẩm không an toàn, không thể để tình trạng cứ thấy vấn đề gì nhức nhối thì hô hào kêu gọi, nhưng cũng chỉ được thời gian đầu rồi sau lại “đâu vào đấy”.
Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Nhưng tôi tin chúng ta sẽ làm được.

- Quốc hội khóa XII tổ chức giám sát tại kỳ họp thứ 3 cũng đã giám sát chuyên đề về vấn đề này. Vì sao Quốc hội lần này vẫn tiếp tục giám sát chuyên đề về an toàn thực phẩm, thưa bà?

Dù đã được Quốc hội khóa XII tổ chức giám sát tại kỳ họp thứ 3, nhưng giám sát lại lần này cũng là điều kiện để Quốc hội đánh giá lại việc thực hiện của các cơ quan chức năng về các kiến nghị của Quốc hội khóa trước về vấn đề an toàn thực phẩm.
Qua đó, Quốc hội kiểm nghiệm lại hệ thống pháp luật đã ban hành có phù hợp và đầy đủ để điều chỉnh về vấn đề an toàn thực phẩm chưa.

- Được biết, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP HCM là mô hình thí điểm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tiên của cả nước. Sau một thời gian thực thi, bà có thể cho biết cách xử lý?

Việc tập trung theo mô hình ban quản lý an toàn thực phẩm cũng là tập trung quản lý theo một đầu mối, với các mục tiêu cụ thể từng giai đoạn, chủ động trong thanh tra - kiểm tra, không mất thời gian cho thủ tục liên ngành.

Tôi nghĩ ban quản lý có rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên là xây dựng các quy chuẩn còn thiếu, chuẩn hóa cấp phép; liên thông các phòng thí nghiệm và kiểm soát dữ liệu; thiết lập hệ thống đội thanh tra an toàn thực phẩm các quận, huyện; tăng cường công tác thông tin truyền thông giáo dục; tiếp tục xây chuỗi thực phẩm sạch và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Tôi xác định nguy cơ lớn nhất chính là thực phẩm bẩn từ nguồn với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, việc cho thêm các chất cấm, chất phụ gia công nghiệp, hóa chất độc hại vào thực phẩm.

Chúng tôi sẽ chống, chặn thực phẩm bẩn - đặc biệt từ nguồn - bằng cách kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, chất phụ gia độc hại và xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn...

Ý thức người tiêu dùng cũng rất quan trọng bởi điều này cũng sẽ tác động ngược trở lại đến người bán hàng

Nguyễn Việt