0908.326.779 - 0906.362.707
 

Luật đã có, vấn đề là thực thi

29/06/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Luật đã có, vấn đề là thực thi
Câu chuyện về quyền tác giả đã nói từ nhiều năm nay, Luật sở hữu trí tuệ ở nước ta cũng đã đi vào đời sống hơn 10 năm, thế nhưng vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Ở Việt Nam có Luật sở hữu trí tuệ, trong đó có Luật quyền tác giả, có các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn thực thi quyền tác giả, có nhiều cuộc tọa đàm để đưa ra vấn đề cần giải quyết về quyền tác giả, có nhiều vụ việc nổi cộm được đưa ra bàn luận trên báo chí, tuyền hình…. nhưng rất ít vụ tranh chấp quyền tác giả được giải quyết. Vì sao lại như vậy?

Khi công nghệ càng phát triển, thì càng góp phần giúp cho hành vi xâm phạm quyền tác giả diễn ra một cách dễ dàng và thuận lợi hơn. Đó là một trong những lý do vì sao mà càng ngày càng có nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả. Trước đây khi không có những công cụ như máy tính, điện thoại thông minh thì hành vi sao chép, phát sóng trực tiếp… và một số hành vi xâm phạm khác chỉ ở mức độ sơ khai. Hiện nay chỉ cần một click chuột thì hành vi vi phạm bản quyền đã diễn ra mọt cách nhanh chóng. Chính vì vậy đặt ra một thách thức rất lớn đối với việc bảo vệ quyền tác giả.

tin nhap 20180628113842
Tranh minh họa

Nhiều chuyên gia cho rằng, hệ thống pháp luật xét về mặt hình thức thì tương đối đầy đủ, nhưng luật về quyền tác giả chưa thật chi tiết, rõ ràng, còn nhiều bất cập. Có nhiều điều luật còn chưa tương thích với Luật quốc tế đề ra. Trong luật sở hữu trí tuệ, phần quyền tác giả và quyền liên quan vẫn có nhiều quy định chưa thật phù hợp. Thậm chí có những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau.

Thêm vào đó, dưới luật, chúng ta còn có những Nghị định hướng dẫn chi tiết về Luật sở hữu trí tuệ, nhưng tình hình lại càng phức tạp hơn bởi các nghị định này không phải lúc nào cũng phù hợp với Luật sở hữu trí tuệ. Có thể nói đối với các luật sư hay các nhà nghiên cứu, vấn đề áp dụng là rất phức tạp. Do hệ thống pháp lý về quyền tác giả chưa đủ rõ ràng, khiến công chúng không có định hướng để hiểu thế nào là quyền tác giả.

Quyền tác giả, trước hết phải là quyền công nhận là tác giả. Nếu chưa có quyền công nhận là tác giả thì cũng không thể tranh luận về quyền tác giả. Vậy quyền tác giả phát sinh khi nào?. Ở Việt Nam hiện nay, muốn được bảo hộ quyền tác giả thì chủ thể phải đi đăng ký ở Cục bản quyền tác giả. Cục bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả (trước đây là Giấy chứng nhận quyền tác giả).

Tuy nhiên chính điều này lại gây ra sự bất cập, bởi được hiểu rằng: Thứ nhất, quyền tác giả chỉ có được khi đến Cục đăng ký quyền tác giả đăng ký. Bất cập thứ 2 là những người muốn “đạo” tác phẩm sẽ nhanh chân đi đăng ký sở hữu. Khi có tranh chấp, họ không phải chứng minh họ là tác giả nữa. Đó là một cơ chế rất bất lợi cho các tác giả Việt Nam.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch Số 133/KH-UBND về thực hiện Đề án tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, các nội dung chủ yếu của kế hoạch gồm nghiên cứu, rà soát đánh giá để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý và thực thi quyền tác giả quyền liên quan trong hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế để phù hợp với quy định tại Quyết định 88/QĐ-TTg ngày 20/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, liên thông giữa cơ sở dữ liệu về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan với hệ thống dữ liệu của các cơ quan thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả; Tổ chức thanh tra, kiểm ta, đấu tranh phòng ngừa và xử lý vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan…

Một ví dụ điển hình về sự bất cập trong việc vi phạm quyền tác giả: Năm 2016, báo chí đưa tin về việc bức tranh của họa sỹ Lê Việt Hồng đăng trên báo Văn nghệ Cà Mau giống bức tranh có tên “Tuyết mai” của danh họa Dương Bích Liên một cách đáng kinh ngạc. Hay tháng 8 năm 2017, họa sỹ Nguyễn Đình Đăng đã bức xúc phản ánh bức ký họa “Khỏa thân 5” do ông vẽ năm 2012 đã bị họa sỹ Đàm Văn Thọ “đạo” thành một tác phẩm khắc gỗ.

Những vụ việc như thế này, cuối cùng cũng không được đưa ra xử lý bằng Luật, bởi không có thể chế nào để khẳng định đây là trường hợp sao chép tranh hay trùng nhau về mặt ý tưởng hay là “đạo tranh”, và cũng không có chế tài để xử lý hay ngừng các hoạt động nghệ thuật liên quan đến tác phẩm được cho là vi phạm bản quyền. Điều đó dẫn đến một lỗ hổng nguy hiểm mà những người làm nghệ thuật thiếu chân chính đang khai thác.

Trong công ước Burne về Bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật quy định, tác phẩm được bảo hộ bắt buộc phải được định hình dưới một hình thức nhất định. Luật sở hữu trí tuệ của nước ta cũng quy định tác phẩm chỉ được bảo hộ khi nó được định hình dưới một hình thức nhất định và quyền tác giả phát sinh đúng vào thời điểm nó được định hình.

Việc đăng ký chỉ có thể ghi nhận rằng tác giả này đã sáng tạo ra tác phẩm này. Nếu có tranh chấp xảy ra, thì người có bản đăng ký không phải là người đầu tiên chứng minh mình sở hữu quyền tác giả, mà phía bên kia sẽ phải chứng minh mình chính là tác giả, bác bỏ bằng những chứng cứ ngược lại. Tuy nhiên, trên cơ sở quy định của pháp luật cũng như công ước quốc tế quy định, thì pháp luật chỉ bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm mang tính chất sáng tạo của tác giả chứ không bảo hộ nội dung ý tưởng.

Bởi vậy, rất nhiều vụ việc vi phạm quyền tác giả, tác phẩm xảy ra nhưng lại rất khó giải quyết tại tòa án, thậm chí có những vụ kéo dài trong nhiều năm bởi chưa có chế tài nào để phân xử, gây hoang mang dư luận, đồng thời cho thấy sự khó khăn trong việc triển khai các quy định của pháp luật liên quan đến quyền tác giả. Chính vì vậy, muốn để việc vi phạm quyền tác giả hạn chế, thì trước tiên phải làm cho công chúng hiểu được thế nào là quyền tác giả. Muốn công chúng hiểu thì phải dựa vào luật. Và trước tiên luật phải rõ ràng.

Bảo Thoa