0908.326.779 - 0906.362.707
 

Lựa chọn đồ chơi an toàn cho trẻ

04/03/2020    4.6/5 trong 5 lượt 
Lựa chọn đồ chơi an toàn cho trẻ
Đồ chơi cho trẻ gần như đã trở thành mặt hàng thiết yếu trong những gia đình có trẻ em. Mặt hàng này thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 (hàng hóa có khả năng gây mất an toàn) do Bộ KH-CN quản lý. Thông tư mới quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em hy vọng sẽ góp phần tạo nên một thị trường đồ chơi trẻ em an toàn.

Thông tư được đề cập đến ở trên là Thông tư số 09/2019/TT-BKHCN, có hiệu lực từ ngày 21-12-2019. 

* Xem xét mức an toàn dựa vào… cảm tính

Chị Nguyễn Hồng Nhung (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) có  một con trai 3 tuổi và thường xuyên mua đồ chơi cho con.Trước đây, chị chọn đồ chơi bằng gỗ nhưng thời gian gần đây chị đã chuyển sang mua các loại đồ chơi bằng nhựa cho con. Yếu tố đầu tiên quyết định đến sự lựa chọn của chị là sở thích của con trai. Vào dịp cuối tuần, chị thường dẫn con đi mua đồ chơi và để con tự chọn. Để yên tâm về chất lượng, chị ưu tiên mua ở siêu thị hơn là những cửa hàng bán đồ chơi trong các khu chợ truyền thống hay các món đồ chơi được bày bán trên vỉa hè.

Nhiều loại đồ chơi gây hại cho sức khỏe của trẻ

Mặc dù có chứa các chất gây hại cho sức khỏe của trẻ nhưng nhiều loại đồ chơi hiện vẫn được bày bán trên thị trường. Do thiếu thông tin, nhiều bậc cha mẹ vẫn vô tư mua loại đồ chơi này cho trẻ. Có thể kể đến các sản phẩm như: hạt nhựa nở (loại hạt nhựa này khi hút “no” nước có thể nở to gấp 300-400 lần), vịt cao su (có chứa chất Phthalic Acid Esters - một hóa chất gây hại cho cơ quan sinh sản), các loại đồ chơi phát sáng (có chứa phthalate, chất dạ quang), miếng dán hoạt hình (có chứa chất gây ung thư, thúc đẩy dậy thì sớm ở bé gái và giảm bài tiết hormone tăng trưởng, gây vô sinh đối với bé trai)...

Ngoài việc quan sát bằng mắt để nhận định độ an toàn, chị Nhung không biết rằng những món đồ chơi bày bán trên thị trường phải tuân thủ theo các quy chuẩn an toàn đã được cơ quan chức năng quy định. Chị Nhung tin rằng đồ chơi trong siêu thị tốt hơn ở ngoài. “Tôi hay mua ở siêu thị vì nhìn thấy tốt hơn, sạch sẽ hơn ở ngoài. Nhìn món đồ chơi trong siêu thị và ở ngoài thấy khác hẳn” - chị Nhung cho biết.

Thường hay mua đồ chơi cho con 10 năm nay, chị Bùi Thị Tâm (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cũng lựa chọn siêu thị là điểm mua sắm. Dựa vào kinh nghiệm mua sắm của mình, chị Tâm thường nhìn xuất xứ của mặt hàng để đánh giá chất lượng sản phẩm. Theo đó, chị Tâm tin tưởng các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Chị Tâm cho hay: “Có 3 yếu tố quyết định mua của tôi. Thứ nhất, đồ chơi phải phù hợp với độ tuổi của các con, thứ hai là chất lượng sản phẩm, thứ ba là sở thích của con. Về chất lượng, tôi ưu tiên chọn hàng Việt Nam”.

Trong khi đó, do điều kiện kinh tế eo hẹp, chị Lê Thị Xuyến (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) ít khi mua đồ chơi cho con. Điều mà chị quan tâm hơn hết là giá của sản phẩm. Nếu 1 bộ lego (đồ chơi xếp hình) nhỏ mua ở nhà sách có giá gần 100 ngàn đồng thì chị chỉ cần bỏ ra khoảng 30 ngàn đồng là có thể mua được món hàng tương tự ở chợ. Theo chị, món đồ chị mua chưa hẳn chất lượng đã thấp hơn mà do chi phí mặt bằng ở chợ thấp hơn nên giá bán hàng cũng rẻ hơn. “Về chất lượng, sản phẩm nào có bao bì đẹp, sắc nét hơn thì chắc là tốt hơn những món đồ chỉ bọc bằng bao ny-lông thông thường” - chị Xuyến chia sẻ.

Rất nhiều người dân không biết rằng, trước khi lưu thông trên thị trường, đồ chơi trẻ em phải công bố hợp quy (tổ chức sản xuất tự công bố sản phẩm phù hợp với các quy định kỹ thuật tương ứng), gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa. Đây là “kênh” thông tin rất quan trọng để người dân lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng.

* Sẽ áp dụng quy chuẩn mới cho đồ chơi trẻ em

Ngày 30-9-2019, Bộ KH-CN đã ban hành Thông tư số 09/2019/TT-BKHCN (gọi tắt là Thông tư 09) ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Ban hành kèm theo thông tư này là Quy chuẩn quốc gia QCVN 03:2019/BKHCN mới về an toàn đồ chơi trẻ em. Theo đó, từ ngày 1-1-2021, việc nhập khẩu và sản xuất đồ chơi trẻ em trong nước sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật này.

Một số sản phẩm không nằm trong danh mục đồ chơi trẻ em

Thông tư 09 có 1 phần phụ lục liệt kê một số sản phẩm không được coi là đồ chơi trẻ em và các đồ chơi không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn QCVN 03:2019/BKHCN. Trong đó có các sản phẩm như: ná bắn đá; phi tiêu có đầu nhọn kim loại; súng và súng ngắn hoạt động bằng hơi và khí nén; diều; bộ mô hình lắp ráp, đồ thủ công mỹ nghệ; các loại sản phẩm dùng để trang trí trong các ngày lễ; đồ chơi lắp đặt tại các nơi công cộng…

Thông tư 09 quy định cụ thể hàm lượng phthalate (chất phthalate được thêm vào đồ nhựa để làm mềm và biến chất nhựa thành nhựa dẻo) trong đồ chơi trẻ em. Theo đó,  đồ chơi trẻ em không được có hàm lượng các phthalate di (2-etylhexyl) phthalate (DEHP), dibutyl phthalate (DBP) hoặc butyl benzyl phthalate (BBP) vượt quá 0,1% khối lượng mỗi phthalate; đồ chơi trẻ em có thể cho vào miệng không được có hàm lượng các phthalate diisononyl phthalate (DINP), diisodecyl phthalate (DIDP) hoặc di-n-octyl phthalate (DNOP) vượt quá 0,1% khối lượng mỗi phthalate.

Thông tư này cũng quy định rõ: Các chi tiết bằng vải dệt có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết gỗ liên kết bằng kiểu dáng có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 80 mg/kg. Formaldehyt là chất đã được Tổ chức Y tế thế giới liệt kê vào loại hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người. Nếu tiếp xúc với formaldehyde trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho da và hệ thống hô hấp, các bệnh về bạch  cầu, gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư đường hô hấp như mũi, họng, phổi.

Việc đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật nêu trên sẽ làm cho đồ chơi trẻ em trở nên an toàn hơn với sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, phải đến ngày 1-1-2022, tiêu chuẩn kỹ thuật này mới trở nên bắt buộc đối với các sản phẩm đồ chơi trẻ em lưu hành trên thị trường. Thông tư số 09 cho phép những đồ chơi trẻ em đang lưu hành trên thị trường thực hiện theo quy định cũ (Thông tư 18/2009/TT-BKHCN ngày 26-6-2009) sẽ vẫn tiếp tục được lưu thông cho đến hết ngày 31-12-2021.

Hải Yến