0908.326.779 - 0906.362.707
 

Lợn đeo vòng truy xuất vẫn không an toàn, vì sao?

05/10/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Lợn đeo vòng truy xuất vẫn không an toàn, vì sao?
Đáng nói, trong số lợn bị tiêm thuốc an thần mới được phát hiện, có rất nhiều con có đeo vòng nhận diện nằm trong chương trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn của TPHCM đang triển khai.

Hôm qua, 3.10, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Yêu cầu này xuất phát từ thông tin gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại lò giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TPHCM) vừa bị phát hiện.

Lợn đeo vòng truy xuất nguồn gốc vẫn bị tiêm thuốc an thần

Nhằm kiểm soát nguồn gốc thực phẩm vào TPHCM, từ cuối năm 2016, thành phố bắt đầu triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Thịt lợn đó, mỗi con lợn sẽ được gắn một chiếc vòng chứa những thông tin cần thiết (địa chỉ cơ sở nuôi, chất lượng nuôi, kiểm soát bệnh tật...). Khi chiếc vòng được kích hoạt, thì những thông tin trên sẽ được hiển thị trên mã vạch được dán lên từng miếng thịt lợn bày bán ở các siêu thị, chợ.

Người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh có cài một phần mềm quét vào mã vạch trên miếng thịt thì tất cả những thông tin về nguồn gốc được hiển thị. Mục tiêu của đề án đặt ra là 100% thịt lợn bán tại các chợ và siêu thị trên địa bàn TP sẽ truy xuất được nguồn gốc.

Tlợn Sở Công Thương TPHCM, đến nay TP đã nhận được đăng ký tham gia đề án của 1.280 cơ sở chăn nuôi tại 15 tỉnh, thành, 25 cơ sở giết mổ, 786 cơ sở kinh doanh thuộc hệ thống hiện đại và 146 cơ sở tại chợ lẻ.

Quy trình chặt chẽ là vậy, song thực tế cho thấy, việc kiểm soát chất lượng thịt lợn an toàn cung ứng ra thị trường vẫn không đảm bảo. Mà cụ thể là vụ khoảng 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại lò giết mổ Xuyên Á - lò mổ lớn nhất TPHCM - vừa được các cơ quan chức phát hiện. Đáng nói, thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, trong số gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ này cũng có rất nhiều con lợn có đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc.

Trong số hàng nghìn con lợn tại lò giết mổ Xuyên Á bị tiêm thuốc an thần, có nhiều con có đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Ảnh: M.Q
Trong số hàng nghìn con lợn tại lò giết mổ Xuyên Á bị tiêm thuốc an thần, có nhiều con có đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Ảnh: M.Q

Truy xuất nguồn gốc nhưng chưa quản được chất lượng thịt

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn ở công đoạn 1 là nhà chăn nuôi hiện nay tương đối ổn khi 78-80% người chăn nuôi đeo vòng truy xuất cho lợn trước khi xuất chuồng. Tuy nhiên, đề án đang gặp khó khăn ở công đoạn thứ hai là tại lò giết mổ khi thương thái, thương nhân chưa tham gia đầy đủ, tỉ lệ lợn đeo vòng truy xuất ở đây còn thấp.

Hiện Ban quản lý đề án đang tham mưu cho UBND TPHCM đưa ra chế tài ở đầu ra, tức là chợ đầu mối yêu cầu thương lái, thương nhân tham gia đề án, kích hoạt vòng nhận diện và chịu trách nhiệm về số lợn cung cấp thì mới đủ điều kiện đưa hàng vào chợ.

Còn TS. Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM - đơn vị cung cấp ứng dụng truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thịt và trứng gia cầm cho rằng: “Việc dán tem truy xuất nguồn gốc thịt lợn thực ra là công cụ để người tiêu dùng biết được nguồn gốc sản phẩm, quan trọng nhất vẫn là vai trò của Ban An toàn Thực phẩm và Thú y, những đơn vị kiểm soát, kiểm tra trực tiếp thực phẩm. Ngoài ra, với quy trình truy xuất thịt lợn, chúng ta sẽ biết sản phẩm bị lỗi ở khâu nào? Bị can thiệp như thế nào mà từ đó khoanh vùng để xử lý” - TS Đào Hà Trung cho biết.

Dư luận cho rằng, điều mà người dân cần nhất hiện nay là chất lượng thịt lợn đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo an toàn, không có thuốc an thần, không có chất tạo nạc hay những chất độc hại khác. Trong khi đó, đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn đang được thành phố triển khai suốt mấy tháng nay, chỉ mới dừng lại ở việc cung cấp thông tin về cơ sở chăn nuôi đến lò giết mổ, tức chưa quản lý được chất lượng thịt lợn có an toàn hay không.

Ngày 3.10, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM - cho biết, trong số 3.750 con heo bị phát hiện tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á, có đến 3.700 con đang được đeo vòng truy xuất nguồn gốc.

Nói về loại thuốc an thần combistress chứa hoạt chất acepromazine mà cơ sở lò mổ Xuyên Á đã tiêm cho heo trước khi chuẩn bị giết mổ, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan cho biết, đây không phải là thuốc nằm trong danh mục cấm. Thuốc này được phép sử dụng cho heo trong một số trường hợp thực hiện thủ thuật. Thế nhưng, thuốc gây ra rất nhiều tác hại cho người. Người ăn sẽ bị buồn ngủ, có vẻ trầm cảm, hết hào hứng với mọi thứ; gây tụt hyết áp, rất hại với bệnh nhân bị các bệnh mãn tính, người bị bệnh tim… Do đó, đây là loại thuốc bị cấm dùng trước khi giết mổ lợn, bò.

Đặc biệt, hoạt chất acepromazine có thể tồn dư trong cơ thể lợn đến hai tuần mới đào thải hết. Đó là lý do, khi phát hiện lợn bị tiêm thuốc an thần, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm đã thuyết phục Bộ NNPTNT, Sở NNPTNT và kiến nghị UBND TPHCM tiêu hủy số lợn này. Bởi nếu nhốt lợn đúng hai tuần đợi đào thải hết thuốc rồi đem đi giết mổ thì việc nhốt chung số lợn này sẽ dẫn tới nguy cơ truyền nhiễm nhiều loại bệnh. Đặc biệt là bệnh lở mồm long móng. Do đó, nếu giữ lại, đây cũng là lợn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không thể “dùng cho người” - bà Lan khẳng định.

Cũng theo bà Lan, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm chỉ quản lý thực phẩm từ chợ đầu mối đến bàn ăn của người dân. Còn các khâu trước đó lại do các sở ngành khác quản lý. KHƯƠNG QUỲNH

Từ ngày 3.10, TPHCM truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm

Từ ngày 3.10, TPHCM chính thức công bố triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm trên địa bàn. Thịt, trứng gia cầm (thịt gà, trứng gà và một phần trứng vịt) của các đơn vị tham gia truy xuất nguồn gốc và dán tem truy xuất đã có mặt tại hơn 1.749 điểm bán trên toàn thành phố. Để truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh có cài phần mềm Te-food soi vào con tem được dán trên vỉ trứng và thịt gà để biết được các thông tin từ con giống, trang trại nuôi, quy trình nuôi, ngày tiêm chủng, giết mổ, đóng gói.

Đình chỉ một số cán bộ thú y để điều tra vụ heo bị tiêm thuốc an thần

Báo cáo tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM (mở rộng) lần thứ 14, khóa X ngày 3.10, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển & Nông thôn, cho biết, đến sáng 3.10, các cơ quan chức năng của TP đã phối hợp xử lý tiêu hủy được 1.995/3.750 con lợn bị tiêm thuốc an thần, 1.755 con còn lại sẽ tiếp tục phối hợp với bãi rác Đông Thạnh để tiêu hủy. Theo ông Trung, có tình trạng không chấp hành và chống đối, nhưng các cơ quan chức năng đã phối hợp kiên quyết không để lượng heo này có thể tuồn được ra bên ngoài.

“Trong buổi chào cờ toàn cơ quan sáng qua, tôi đã nói phải xem đây như là một tội ác. Chúng tôi đã giao thanh tra sở làm việc, kiên quyết xử lý. Trước mắt yêu cầu Chi cục Thú y đình chỉ công tác tổ trưởng, hai tổ phó để phục vụ điều tra, yêu cầu lãnh đạo Trạm thú y Củ Chi và 17 cán bộ làm bản tường trình. Nếu phát hiện có tiêu cực, tham nhũng ở đây thì sẽ xử lý kỷ luật ở mức cao nhất là buộc thôi việc” - ông Trung nhấn mạnh.

Đề cập đến vấn đề này, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng, TPHCM địa phương đầu tiên được thí điểm thành lập Ban Quản lý Vệ sinh An toàn Thực phẩm, mặc dù đã làm được nhiều việc nhưng vẫn còn có những việc chưa làm được. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm sức khỏe của người dân cũng như khách du lịch đến TP, đặc biệt là trong dịp cuối năm. NAM DƯƠNG

HUYỀN TRÂN - MINH QUÂN