0908.326.779 - 0906.362.707
 

Kiên quyết loại trừ hàng giả, hàng lậu

18/09/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Kiên quyết loại trừ hàng giả, hàng lậu
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tình hình buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lại diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng, gây sức ép dữ dội đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính.

Chi cục trưởng Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Phan Hoàn Kiếm nhìn nhận: Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra và xử lý đối tượng vi phạm, nhưng tình hình hàng giả, hàng nhập lậu, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố vẫn chưa giảm, diễn biến còn phức tạp và có dấu hiệu tăng vào dịp cuối năm. Trong tháng 8, Chi cục QLTT thành phố đã kiểm tra 2.107 vụ chuyên ngành và liên ngành (tăng 165 vụ so cùng kỳ năm 2016), phát hiện 646 vụ vi phạm. Trong đó, kiểm tra chuyên ngành, QLTT thành phố phát hiện 485 vụ vi phạm, gồm: 40 vụ hàng cấm, 200 vụ hàng nhập lậu, 47 vụ vi phạm về hàng giả và sở hữu trí tuệ, 23 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá và đầu cơ găm hàng, 83 vụ vi phạm trong kinh doanh… Ngoài hàng nhập lậu, hàng giả, gần đây trên địa bàn thành phố còn nổi lên tình trạng sai phạm trong kinh doanh thực phẩm với quy mô lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Cụ thể, riêng trong tháng 8, các đội QLTT đã kiểm tra 94 công ty, cửa hàng, hộ kinh doanh, cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm tại các chợ và trên đường phố, đã phát hiện 73 đơn vị vi phạm, chủ yếu là hàng hóa không có chứng từ, không rõ nguồn gốc, sản xuất thực phẩm không bảo đảm vệ sinh. Lực lượng QLTT đã tạm giữ 15.647 kg đường cát, phụ gia thực phẩm; 55 lít rượu trắng và 44.923 đơn vị sản phẩm các mặt hàng sữa, thực phẩm chức năng, rượu, nước giải khát, bánh kẹo; đáng chú ý là 380 kg phụ gia thực phẩm giả xuất xứ, 347 kg phụ gia thực phẩm hết hạn sử dụng...

Các DN trên địa bàn thành phố bức xúc và đã phản ánh đến các cơ quan chức năng tình trạng hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và uy tín của DN, nhất là ngành lương thực - thực phẩm. Ông Trần Văn Bảy, chủ DN chuyên sản xuất giò chả ở quận Tân Bình cho biết: Để sản xuất mặt hàng giò chả, DN làm ăn nghiêm túc buộc phải có đủ giấy chứng nhận đủ điều kiện với yêu cầu chặt chẽ về độ an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu nguyên liệu đến khâu phối trộn, đóng gói, phân phối, bảo quản… Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất giò chả “chui” không hội đủ những điều kiện bắt buộc, thường pha tẩm các chất phụ gia vượt mức cho phép vào sản phẩm, thậm chí là hóa chất độc hại. “Những cơ sở chế biến thực phẩm trái phép đều ít nhiều gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng và cách làm ăn bất chính này còn trực tiếp ảnh hưởng đến thị phần của các cơ sở làm ăn đàng hoàng, gây mất uy tín cho cả làng nghề”, ông Bảy cho biết thêm.

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, lượng thuốc lá điếu nhập lậu vào thị trường Việt Nam khoảng hơn một tỷ gói/năm, trong đó thuốc lá nhập lậu tuồn qua biên giới Tây Nam chiếm hơn 80%. Số thuốc lá lậu này phần lớn được đưa về TP Hồ Chí Minh, sau đó cung cấp cho các địa phương. Trong những năm gần đây, các lực lượng chống buôn lậu của TP Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tích cực nhất trong việc ngăn chặn thuốc lá lậu, tuy nhiên dù ra quân kiểm soát chặt ngay từ các cửa ngõ, song vẫn chưa “quét” hết được thuốc lá lậu. Để ngăn chặn, theo Phó Chi cục trưởng QLTT thành phố Nguyễn Văn Bách, ngoài yêu cầu hơn 600 cơ sở được cấp phép kinh doanh thuốc lá và hơn 46 nghìn người buôn bán nhỏ thực hiện nghiêm việc ký cam kết không kinh doanh thuốc lá nhập lậu, Chi cục QLTT thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra các điểm “nóng” về hàng nhập lậu. “Từ nay đến cuối năm, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng chống buôn lậu của Tây Ninh, Long An, An Giang… để chia sẻ thông tin, hợp tác điều tra, xử lý các đường dây buôn lậu hàng hóa, đặc biệt là thuốc lá”, Phó Chi cục trưởng QLTT thành phố Nguyễn Văn Bách cho biết.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ hàng trăm vụ buôn lậu hàng điện lạnh, máy tính, máy nông cụ, chén, đĩa đã qua sử dụng (hàng cấm nhập khẩu) tuồn về cảng dưới dạng hàng quá cảnh và qua mặt lực lượng hải quan bằng cách khai báo là… rổ rá nhựa. Đơn cử, ngày 18-8, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) kiểm tra hai công-ten-nơ, phát hiện 1.600 thùng chứa chén, đĩa, cốc và nhiều hàng gia dụng đã qua sử dụng. Tất cả các mặt hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu, do Công ty TNHH TMDV Phạm Đức (số 1050 Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức) nhập khẩu về Việt Nam từ tháng 4-2017 và khai báo hải quan là rổ nhựa. Đầu tháng 7, Cục Hải quan thành phố kiểm tra hai công-ten-nơ tại cảng Cát Lái, phát hiện 150 tủ lạnh, hàng trăm quạt gió, nồi cơm điện, bát đĩa do Nhật Bản sản xuất đã qua sử dụng nhưng khai báo là ống nhựa. Chủ lô hàng cũng là Công ty TNHH TMDV Phạm Đức nói trên và công ty này không có thực tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Trong tháng 7, Cục Hải quan thành phố đã khởi tố 15 vụ án hình sự, trong đó có tám vụ buôn lậu, bảy vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, với thủ đoạn lợi dụng loại hình hàng quá cảnh, chuyển cửa khẩu để tuồn hàng lậu, hàng cấm vào thị trường Việt Nam.

Trước tình trạng “cạnh tranh không lại” với các mặt hàng “dởm” ngày càng có dấu hiệu gia tăng trên thị trường, nhiều DN cho rằng, ngoài việc các nhà sản xuất trong nước tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa và xây dựng hàng rào tự vệ, Nhà nước cần kiên quyết xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, kinh doanh phi pháp để bảo vệ nền sản xuất trong nước, làm trong sạch thị trường

ĐẠI ĐỒNG