0908.326.779 - 0906.362.707
 

Kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm: Hải quan chủ động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

26/03/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm: Hải quan chủ động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Ông Ngô Minh Hải, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan hải quan đang nỗ lực cùng với đơn vị chức năng của Bộ Y tế chủ động tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp (DN)

Trong quá trình thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (NĐ 15) hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm…

Hải quan cũng gặp khó  

Ông Hải chia sẻ, khi áp dụng vào thực tế NĐ 15 đã và đang phát sinh bất cập trong quá trình thực thi của cơ quan hải quan, ảnh hưởng đến quyết định thông quan hàng hóa cho DN. Các cục hải quan có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) lớn như: Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh đều phản ánh, khó áp dụng phương thức kiểm tra.

Cụ thể, tại Điều 16, 18, 19, NĐ 15 quy định phương thức kiểm tra giảm áp dụng tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm. Cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên và thực hiện kiểm tra hồ sơ. Theo cơ quan hải quan, quy định này hiện chưa thể thực hiện được do thiếu cơ sở dữ liệu, quy định giấy tờ phải nộp chưa cụ thể... Để xác định được số lượng 5% tổng số lô hàng áp dụng phương thức kiểm tra giảm cần có dữ liệu thống kê về tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng một năm tính từ ngày NĐ 15 có hiệu lực (từ ngày 2/2/2018), hay từ khi DN mở tờ khai nhập khẩu hàng hóa.  

Hải quan Hải Phòng cũng nêu bất cập, Khoản 3 Điều 14 NĐ 15 quy định: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan hải quan danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức, cá nhân được xuất khẩu các sản phẩm trên vào Việt Nam". Nhưng hiện nay, Bộ NN&PTNT chưa cung cấp các danh sách trên cho cơ quan hải quan để thực hiện...

Về vấn đề này ông Hải cho biết, do thiếu cơ sở dữ liệu, hải quan địa phương khó áp dụng chính sách. Cụ thể, về các trường hợp được miễn kiểm tra về an toàn thực phẩm nhập khẩu (tại Khoản 1 Điều 13 NĐ 15) không quy định để được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng nhập khẩu, khi làm thủ tục hải quan DN phải nộp/xuất trình cho cơ quan hải quan bản sao/bản chính “Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm”. 

Do vậy, khi làm thủ tục nhập khẩu, nếu cơ quan hải quan yêu cầu DN nộp/xuất trình Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính; nếu không yêu cầu DN nộp/xuất trình Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, cơ quan hải quan không đủ cơ sở chứng minh lô hàng thuộc diện được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu, để thông quan hàng hóa.

Giải pháp tình thế để tháo gỡ vướng mắc

Chủ động tháo gỡ vướng mắc cho DN, cơ quan hải quan đã có các cuộc làm việc với cơ quan quản lý chuyên ngành và ban hành Công văn số 1267/TCHQ-GSQL hướng dẫn các cục hải quan địa phương thực hiện NĐ 15. Theo đó, Tổng cục Hải quan hướng dẫn, hàng hóa là nguyên liệu do DN nhập khẩu trực tiếp phục vụ sản xuất (bao gồm sản xuất để nhập khẩu, tiêu thụ nội địa hoặc gia công cho đối tác nước ngoài) được miễn thủ tục tự công bố sản phẩm và miễn kiểm tra về an toàn thực phẩm. Liên quan đến giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, để có cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu thuộc diện được miễn kiểm tra về an toàn thực phẩm nhập khẩu theo quy định, khi làm thủ tục hải quan, người khai nộp bản chụp giấy tiếp nhận đăng kí bản công bố sản phẩm (có xác nhận của DN).

Tuy nhiên, theo ông Hải, đây chỉ là giải pháp tình thế, để giải quyết cơ bản những vướng mắc này cho cả cơ quan hải quan và DN cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã có văn bản đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện NĐ 15 trình Bộ Tài chính xem xét và có ý kiến với các bộ quản lý chuyên ngành.

Để nắm bắt thực tế, trung tuần tháng 3/2018, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc với Hải quan TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng, qua đó đánh giá cao nỗ lực của cơ quan hải quan trong việc chủ động tạo thuận lợi cho DN XNK.

Trước những kiến nghị của cơ quan hải quan, ông Long cho hay,  Bộ Y tế đang xây dựng dữ liệu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm để cơ quan chức năng tiện cho việc tra cứu số lượng đơn vị sản xuất, sản phẩm, cũng như thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ông Long cho rằng, NĐ 15 được xây dựng trên nguyên tắc rất cơ bản là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phần kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm vẫn còn có khúc mắc khi triển khai thực hiện do nghị định có hiệu lực ngay từ ngày ký. Bộ Y tế chủ trì cùng với Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương sẽ giải đáp các vướng mắc phát sinh, làm sao loại bỏ tất cả những khó khăn, vướng mắc mang tính hành chính, nhưng vẫn giữ được việc quản lý an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo Bộ Y tế, NĐ 15 thực sự là cuộc cách mạng trong quản lý an toàn thực phẩm, thay đổi căn bản phương thức quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý rủi ro, quản lý nguy cơ... Áp dụng NĐ 15 sẽ tiết kiệm hơn 7 triệu ngày công, hơn 3.000 tỷ đồng; ước tính thủ tục hàng chính giảm từ 90 đến 95%. Riêng thủ tục kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu giảm 95%. 
Hải Anh