0908.326.779 - 0906.362.707
 

Khắc phục hạn chế về pháp luật của sinh viên nghệ thuật

30/10/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Khắc phục hạn chế về pháp luật của sinh viên nghệ thuật
Vấn đề khó khăn nhất của sinh viên nghệ thuật Việt Nam khi tiếp cận thị trường lao động nước ngoài không phải là chuyên môn mà lại đến từ sự hiểu biết về pháp luật

Từ khó khăn này, cô Phạm Thị Thu Hà (Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương) đã chia sẻ những lưu ý liên quan đến việc hỗ trợ pháp lý cho sinh viên nghệ thuật khi tiếp cận thị trường lao động nước ngoài trong tham luận tại hội thảo “Tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường lao động cho thanh niên và sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp” được Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương tổ chức mới đây.

Hạn chế về pháp luật của sinh viên nghệ thuật

Trong tham luận này, cô Phạm Thị Thu Hà đã nhắc đến cơ hội cho sinh viên nghệ thuật để đến được nơi mệnh danh là cái nôi của nghệ thuật đỉnh cao - Châu Âu lục địa - với Dự án Voyage (Dự án tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường lao động cho sinh viên Việt Nam đã nhận được tài trợ của Ủy ban Châu Âu để thực hiện trong thời gian từ năm 2015 đến 2018).

Đây là cơ hội rất tốt để sinh viên Việt Nam được tiếp cận nghệ thuật đỉnh cao thông qua học bổng, các chương trình trao đổi, học tập ngắn hạn...; có nhiều khả năng được tiếp xúc trực tiếp, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, năng động với các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước.

Voyage có thể là cánh cửa mở để bước ra thế giới, là cơ hội học tập, tiếp cận thị trường lao động nước ngoài của sinh viên nghệ thuật.

Nhưng trước cơ hội này, một trong những điểm yếu nhất của sinh viên nghệ thuật đó là pháp luật. Sinh viên nghệ thuật có thể học tập tốt, tiếp thu nhanh, tính sáng tạo cao..., nhưng với pháp luật lại là một thách thức không hề nhỏ.

Làm việc với các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước, sinh viên nghệ thuật cần biết về và cần được tư vấn về pháp luật của nước sở tại, những thủ tục hành chính do chính quyền địa phương ban bố hoặc những tập quán, thông lệ quốc tế liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền, hợp đồng làm việc, hợp đồng đào tạo, hợp đồng đào tạo lại...cho đến cách thức làm việc của các cơ quan tư pháp...

Chưa nói đến hệ thống pháp luật hay một lĩnh vực luật pháp cụ thể nào, cô Phạm Thị Thu Hà cho rằng, chỉ đề cập tới những khác biệt trong nhận thức về pháp luật để thấy rằng từ nghệ thuật đến pháp luật là cả một sự khác biệt vô cùng lớn.

Nếu như người Việt Nam thường ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải và chỉ khi không thương lượng được mới đưa ra tòa án giải quyết; thì người phương Tây nói chung và người Châu Âu nói riêng, mọi tranh chấp, vi phạm đều có thể được giải quyết tại tòa án. Việc giải quyết các vụ, việc ở tòa án là điều hết sức bình thường và phán quyết của tòa được các bên liên quan tôn trọng chấp hành.

Tham vấn luật sư đối với người Việt chỉ thực sự cần thiết khi giải quyết các vụ việc phức tạp hoặc các vụ án hình sự. Đối với người nước ngoài, trong mọi trường hợp, hầu như đều có sự tham gia của luật sư. Vai trò của luật sư rất quan trọng và cần thiết.

Người Việt khá duy tình trong xử lý công việc, hay để tình cảm chi phối tới các quyết định hoặc tới công việc đang thực hiện, đặc biệt là đối với những người làm nghệ thuật. Người nước ngoài thì khác, họ duy lý và giải quyết công việc theo pháp luật, tôn trọng pháp luật.

Một thói quen khác của người Việt là việc chưa trích dẫn nguồn gốc và bản quyền chính xác. Việc trích dẫn nguồn gốc và bản quyền ở Việt Nam chưa được quy định chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt. Đây cũng có thể là điểm bất lợi và khó khăn khi hội nhập quốc tế. Chúng ta chưa có thói quen đăng ký sở hữu trí tuệ và tôn trọng bản quyền tác giả, đặc biệt nhiều trong nghệ thuật.

Sinh viên nghệ thuật nói chung chưa ý thức được tầm quan trọng của hợp đồng và việc ký tên vào bản thỏa thuận đó. Việc không hiểu hoặc không hiểu rõ hợp đồng có thể dẫn tới các hậu quả pháp lý bất lợi khác mà nhìn thấy rõ đó là nhận sự thiệt thòi về mình...

Từ một số khác biệt kể trên, cô Phạm Thị Thu Hà nhấn mạnh: muốn thỏa sức sáng tạo nghệ thuật thì buộc phải hiểu biết về pháp luật. Đây là điểm hạn chế của sinh viên nghệ thuật nói chung.

 

Hỗ trợ pháp lý để sinh viên nghệ thuật tiếp cận được thị trường lao động nước ngoài

Tham gia Dự án Voyage là sinh viên có thêm một cơ hội để học tập hoặc làm việc trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, đỉnh cao. Sinh viên có thể được trải nghiệm và hiện thực hóa ước mơ nghệ thuật của mình, được mở rộng tầm nhìn và chọn cho mình hướng đi phù hợp.

Để làm được điều đó, cô Phạm Thị Thu Hà khẳng định trong tham luận: sinh viên cần được hỗ trợ không chỉ là về chuyên môn, về tài chính mà còn cần được hỗ trợ về pháp lý.

Sinh viên cần được trang bị những kiến thức cơ bản về văn hóa pháp lý tại nơi sẽ sinh sống, học tập và làm việc để họ hiểu về những quyền, nghĩa vụ của mình hoặc tìm được trợ giúp khi cần thiết.

Mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa lại có những sự khác biệt mà ngay cả với người bản địa cũng không dễ dàng hiểu hết được. Để chung sống hòa hợp trong cộng đồng đa dạng về sắc tộc, ngôn ngữ thì việc tìm hiểu về phong tục, tập quán sinh sống của người địa phương là chưa đủ mà còn phải hiểu biết về pháp luật và cách thức thực hiện, áp dụng pháp luật của người bản địa.

Đây là một khó khăn lớn đối với sinh viên nói chung và sinh viên dùng tiếng bản địa là ngôn ngữ thứ hai. Họ cần có sự trợ giúp từ những người am hiểu về văn hóa pháp luật bản địa, từ những tổ chức bảo trợ, bảo hộ công dân khi giải quyết những xung đột về pháp lý và những trở ngại do sự khác biệt về ngôn ngữ, nhận thức.

Sinh viên cũng cần được hỗ trợ khi ký kết những thỏa thuận, hợp đồng làm việc để đảm bảo quyền lợi chính đáng và những giá trị nghệ thuật do họ sáng tạo.

Việc ký kết những thỏa thuận, hợp đồng giữa sinh viên với nhà tuyển dụng là sự cam kết chính thức về các quyền, nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện công việc đó.

Nhà tuyển dụng luôn có luật sư và có khả năng mời những luật sư giỏi để soạn thảo những hợp đồng ký kết với các đối tác hoặc với người lao động.

Để hiểu đúng những nội dung trong hợp đồng và không rơi vào “bẫy ngôn ngữ’ là một yêu cầu chính đáng đối với sinh viên nói chung và sinh viên nghệ thuật nói riêng.

Sinh viên cần được hỗ trợ để được làm những công việc phù hợp, đảm bảo quyền lợi và hợp pháp, trong đó có quyền được đảm bảo về ý tưởng, về bản quyền đối với những sáng tạo nghệ thuật của họ.

Hải Bình