0908.326.779 - 0906.362.707
 

Kết nối tiêu thụ và sản xuất nông sản an toàn

09/05/2018    4.67/5 trong 6 lượt 
Kết nối tiêu thụ và sản xuất nông sản an toàn
Sản xuất theo chuỗi đã giải quyết được đầu ra sản phẩm, sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Muốn sản xuất theo tín hiệu thị trường phải có sự kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ.

Được mùa mất giá, sản xuất dư thừa nhưng thiếu sản phẩm đạt chất lượng cho xuất khẩu, sản xuất an toàn khó tiêu thụ trong khi người tiêu dùng lại loay hoay tìm nguồn thực phẩm an toàn… đó là tình trạng vẫn phổ biến trong sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản ở nước ta.

Hoạt động kết nối cung – cầu nông sản, thực phẩm an toàn được đánh giá là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Từng bước khắc phục điểm yếu này, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. 

Phóng viên: Là đơn vị kết nối giữa doanh nghiệp tiêu thụ với các đơn vị, địa phương sản xuất nông lâm thủy sản, ông đánh giá thế nào qua các chương trình kết nối này? 

Ông Đào Văn Hồ: Để tăng cường liên kết giữa người sản xuất, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng, trung tâm phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn tiêu biểu trên cả nước đã chính thức hoạt động Trung tâm trưng bày, giới thiệu và phân phối nông sản thực phẩm an toàn và Khu gian hàng bán nông sản thực phẩm an toàn thường xuyên.

Trung tâm này được đặt trong khuôn viên khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại (Số 489, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội). 

Trung tâm trưng bày và phân phối nông sản an toàn đã kết nối được khoảng 60 gian hàng của đơn vị và các địa phương giới thiệu và bán sản phẩm tại đây. Nhằm kiểm soát tốt và nâng cao chất lượng nông thủy sản phục vụ người tiêu dùng, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã triển khai việc kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Đồng thời, phối hợp cùng Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội thường xuyên lấy mẫu kiểm tra các sản phẩm để từng bước tất cả sản phẩm khi vào trung tâm đều được truy suất nguồn gốc. 

Bên cạnh việc kết nối các đơn vị bán hàng tại trung tâm, trung tâm còn kết nối giữa các doanh nghiệp, địa phương trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị và xuất khẩu. 

Sau khi được trung tâm kết nối, các doanh nghiệp đã và đang hợp tác tốt với địa phương để đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản như công ty: An Việt, Đồng Giao, Nafood, Coopfood…. 

Các doanh nghiệp lớn có nhà máy chế biến như Nafood, Đồng Giao… hợp tác với Trung tâm để tìm kiếm, kết nối với địa phương trong việc hình thành các vùng nguyên liệu lớn, sản xuất an toàn và kể cả việc xây dựng nhà máy chế biến. 

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng tìm đến và mong muốn trung tâm tìm kiếm các kênh cung cấp hàng hóa để đưa các sản phẩm nông thủy của Việt Nam sang bán tại các nước. 

Trung tâm sẽ kết nối các doanh nghiệp này với các doanh nghiệp có tiềm năng cung cấp nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông thủy sản, nhất là mặt hàng rau quả các doanh nghiệp đang có nhu cầu rất lớn. 

Hiện nông dân vẫn sản xuất không theo kế hoạch, hợp đồng, tự phát không theo nhu cầu thị trường. Chưa có nhiều nông dân đủ hiểu được thị trường, họ sản xuất theo truyền thống và cái dễ làm. 

Chẳng hạn, ở Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội chỉ biết sản xuất củ cải; Tứ Kỳ (Hải Dương) chỉ trồng su hào… trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại thiếu cải bắp giống Nhật Bản để xuất khẩu. 

Nhiều doanh nghiệp cũng đang có nhu cầu sản phẩm lớn, chất lượng cao để xuất khẩu. Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đang có nhu cầu đặt hàng số lượng sản phẩm như: hẹ, rau chân vịt, ngô ngọt…. Tuy nhiên, yêu cầu sản xuất và sản phẩm công ty đề ra cũng rất cao để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu. 

Chẳng hạn Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ quốc tế TJ (Hàn Quốc) đang muốn liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng nông sản Việt Nam để đưa hàng sang Hàn Quốc. 

Hay thị trường Nhật Bản có nhu cầu lớn đa dạng các sản phẩm như: ngô ngọt, hẹ, vải, dưa bao tử, dứa, chanh leo, rau chân vịt, bó xôi, hành… các doanh nghiệp xuất khẩu không đủ hàng cung cấp sang thị trường này. 

Nếu sản xuất theo kiểu đại trà hiện nay thì chỉ lựa chọn được 30% cho xuất khẩu. Khi có kết nối, sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp, sản phẩm gần như 100% được xuất khẩu. 

Phóng viên:Rõ ràng, nhu cầu sản phẩm an toàn không hề ít, vậy tại sao cung và cầu vẫn chưa gặp nhau và khó khăn trong việc phát triển các kết nối này là gì? 

Ông Đào Văn Hồ: Sản xuất của Việt Nam vẫn phổ biến tình trạng nơi thừa thì vẫn thừa, nơi thiếu thì vẫn thiếu và hầu hết là thừa của những nông dân sản xuất không có sự kết nối. 

Đã có sự thay đổi nhiều nhưng cũng cần từng bước để kết nối nông dân. Bản thân nông dân cũng cần nhận thức thấy phải tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để dễ dàng hơn trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là việc sản xuất đảm bảo đúng yêu cầu thị trường. 

Hiện những đơn vị đang sản xuất theo chuỗi đã giải quyết được đầu ra sản phẩm, sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Muốn sản xuất theo tín hiệu thị trường phải có sự kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ. 

Rõ ràng, các doanh nghiệp đang có nhu cầu lớn nhưng họ cũng khó có thể đi tìm kiếm liên kết với từng cá nhân. 

Do đó, rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc tổ chức sản xuất, định hướng cho các hợp tác xã trong việc liên kết, tổ chức sản xuất…và đặc biệt là cầu nối các doanh nghiệp có nhu cầu về địa phương mình. 

Việc địa phương chủ động vào cuộc rất quan trọng, khi đó nông dân chỉ phải lo sản xuất sao cho sản phẩm đạt tốt nhất. 

Bên cạnh đó, hiện ở các địa phương, những tổ chức xúc tiến thương mại nông sản chưa hình thành rõ. Nhiệm vụ xúc tiến thương mại được mỗi địa phương giao cho một đơn vị phụ trách khác nhau nên khó có sự thông suốt. 

Các tỉnh chưa nhận thức thích đáng về tầm quan trọng của xúc tiến thương mại thì rất khó đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm. 

Phóng viên: Thời gian tới, Trung tâm sẽ có định hướng như thế nào trong kết nối cung – cầu này? 

Ông Đào Văn Hồ: Trung tâm sẽ tiếp tục kết nối các doanh nghiệp với các vùng sản xuất, để phục vụ xuất khẩu, đặc biệt sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ, Trung Đông… Đây là những thị trường tiềm năng để mở rộng xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản Việt Nam. 

Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham quan và tranh thủ gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp tại thị trường Malaysia và Singapore hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam như: trứng, sữa, bò sữa, lợn sữa. 

Hiện Singapore có nhu cầu nhập khẩu đến 95% sản phẩm nông sản, thực phẩm; Malaysia cũng nhập 75%… 

Các thị trường này đều rất mở cho Việt Nam, vấn đề là mình phải sản xuất đáp ứng được các yêu cầu của họ. Khi xuất khẩu, các đơn vị sản xuất bắt buộc phải sản xuất theo các tiêu chuẩn mà thị trường nhập khẩu yêu cầu. 

Với thị trường nội địa, đây là thị trường ngày càng lớn, người dân có thu nhập ngày càng tăng nên sẽ càng quan tâm đến chất lượng, an toàn thực phẩm… Trung tâm sẽ cùng các đơn vị kết nối nhiều chương trình hội chợ trong nước: Hà Nam, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Kiên Giang, Tp. Hồ Chí Minh…. 

Các chương trình sẽ đều hướng đến nông nghiệp công nghệ cao và nông sản thực phẩm an toàn. 

Các sản phẩm tổ chức ở hội chợ ngoài yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ hướng đến truy suất nguồn gốc, đảm bảo lòng tin cho người tiêu dùng. Đây cũng là cách để hướng người sản xuất công khai, minh bạch mô hình sản xuất của mình. 

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Bích Hồng/BNEWS